Cập nhật: 07/03/2019 14:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, tình trạng bán bào thai qua Trung Quốc vẫn chưa có chế tài xử lý, hơn nữa mọi sự việc lại diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Sau loạt bài báo động về tình trạng phụ nữ xã Hữu Kiệm và xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, bán bào thai làm rúng động dư luận đã được phát trên sóng VOV, phóng viên đã trở lại vùng đất này và ghi nhận những nỗ lực của các ngành chức năng của huyện, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện là nòng cốt trong việc ngăn chặn thực trạng buôn bán bào thai.

Trung tâm bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm

Tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết, trên địa bàn xã có 2 bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2, có 22 trường hợp sang Trung Quốc bán bào thai thì 21 trường hợp đã trở về. Họ cho biết, nếu bán con trai được trả 60 triệu, con gái sẽ được 80 triệu đồng. Đây là vùng bà con đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống chủ yếu nên bên cạnh việc thực hiện chủ trương chung của huyện thì phụ nữ xã vẫn là nòng cốt, tích cực thăm hỏi giúp đỡ những chị em khi họ trở về; vận động không tái phạm việc đi nước ngoài bán con đẻ của mình.

Nếu chị em cần vốn để làm ăn, Hội phụ nữ sẽ phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, đảm bảo cho chị em vay vốn. Hiện nay, tình trạng bán bào thai qua Trung Quốc vẫn chưa có chế tài xử lý, hơn nữa mọi sự việc lại diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Vì vậy, phương án được Hội lựa chọn hiện nay là thành lập các tổ nhóm thường xuyên xuống các bản làng tham gia sinh hoạt với phụ nữ địa phương, vừa tuyên truyền cho chị em nhận thức ra việc bán bào thai là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo lý làm người.

“Hội Phụ nữ phối hợp với Kế hoạch hóa gia đình, trạm Y tế, lấy danh sách tổng hợp những chị hiện tại đang mang thai từ 1 tháng cho đến 7, 8 tháng, bám theo dõi và bắt làm bản cam kết từng chị một để xây dựng kế hoạch bám sát theo dõi những chị này, không được đưa bào thai đi bán”, bà Nguyễn Thị Phương bày tỏ.

Đã có 21 trên 22 chi em được cho là sang Trung Quốc bán bào thai đã trở về

Bà Vũ Thị Huyền, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Kỳ Sơn cho biết, Hội đã xây dựng kế hoạch phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn, lấy phụ nữ cơ sở làm nòng cốt, tăng cường tuyên truyền, giúp đỡ chị em tham gia các hoạt động cộng đồng; phối hợp ngân hàng chính sách xã hội xây dựng các đề án cho vay vốn, xóa đói giảm nghèo. Tăng cường giáo dục chị em nhận thức rõ bán bào thai là vi phạm pháp luật, bên cạnh đó còn vi phạm về đạo lý, đồng thời đề cao tình mẫu tử ruột thịt.

“Hy vọng rằng người dân nhận thức ra và họ không tiếp tục nữa. Cái thứ 2 là phối hợp Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên đi một số các gia đình để tuyên truyền vận động gia đình họ. Phân công cán bộ cùng ăn cùng ở và mấy cùng với dân, xuống ở trực tiếp, thì vừa tuyên truyền cho họ vừa nghe ngóng tình hình”, bà Vũ Thị Huyền chia sẻ.

Không chỉ nâng cao nhận thức cho chị em về pháp luật, về đạo lý, Hội phụ nữ huyện Kỳ Sơn còn mong muốn giúp chị em xóa đói giảm nghèo, bảo vệ gia đình mình, để không còn những thảm cảnh phải bán đi đứa con dứt ruột đẻ ra như báo chí phản ánh thời gian qua.

Theo Quốc Khánh/VOV.VN

Tệp đính kèm