Cập nhật: 08/03/2019 08:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều tối 7-3, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có công văn hoả tốc yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Đồng thời, Tổng cục cần tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, nhưng cố tình gian dối, hoặc báo mất để xin cấp lại giấy phép lái xe. Đối với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại giấy phép lái xe nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng giao Tổng cục ĐBVN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ trong quản lý, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong cả nước. Bên cạnh đó, phối hợp Cục Cảnh sát giao thông để cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc, nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời đối với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ bằng lái do vi phạm.

Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp siết chặt công tác cấp lại bằng lái xe đã mất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng kẽ hở chính sách để xin cấp lại bằng lái không đúng quy định, đồng thời có giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại bằng lái,...

Trước đó, tại phiên giải trình về giải pháp ngăn chặn vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ phối hợp Bộ Công an để liên kết, cung cấp thông tin, những trường hợp bằng giả, vi phạm; đồng thời đề xuất hàng loạt giải pháp cứng rắn ngăn chặn việc "lách" luật như bắt người mất bằng lái phải thi lại.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Chúng tôi đề xuất theo hướng người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ các môn mới được cấp bằng mới. Việc này để tránh tình trạng nêu lý do xin đổi nhưng do công tác quản lý còn hạn chế. Thực tế có những trường hợp vi phạm ở miền núi, ở chỗ chúng ta không quản lý được, người vi phạm “lách luật” để có thêm bằng lái thứ hai, thứ ba nhằm tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh”.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang đề xuất quy định, nếu để xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, thì một là thu hồi vĩnh viễn bằng lái, hoặc người đó không cho lái xe nữa, hoặc tăng thời gian thu hồi bằng trong vòng 10-15 năm để bảo đảm tính răn đe. Bởi các TNGT hiện nay, nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của lái xe rất kém,...

Về vấn đề này, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục ĐBVN) cho rằng, theo Thông tư liên tịch 01 của Bộ Công an - Bộ GTVT phối hợp cung cấp số liệu vi phạm, Cảnh sát giao thông sẽ gửi các vi phạm của người lái xe sang Tổng cục ĐBVN cập nhật. Phần mềm quản lý giấy phép lái xe của đường bộ có cả phần mềm quản lý vi phạm bằng lái.

Tuy nhiên, hiện phía Cảnh sát giao thông mới gửi dữ liệu các trường hợp bị tước bằng lái, mà chưa cập nhật các trường hợp tạm giữ có thời hạn. Từ đó, nhiều trường hợp tạm giữ bằng lái do vi phạm có thời hạn 1-2 tuần, nhưng nhiều lái xe không đến nộp phạt lấy lại bằng, mà khai báo gian dối là mất bằng lái để đến cơ quan đường bộ để xin lại.

Thậm chí, tại một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe còn cố tình giả mạo mất bằng để xin cấp lại, có lái xe sở hữu 2-3 bằng lái nhằm “qua mặt” lực lượng chức năng khi vi phạm giao thông.

Tuy nhiên, bình luận về đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu bắt buộc thi lại đối với những trường hợp mất bằng lái, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, quy định này là không nên và cơ quan quản lý Nhà nước đã đẩy việc khó sang cho người dân.

Theo ông Quyền, trước đây đã có quy định, khi mất bằng lái xe, người mất phải chờ một tháng (kể từ ngày nộp đơn trình báo mất và xin cấp lại) để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh xem mất thật hay do vi phạm bị lực lượng chức năng thu giữ bằng lái.

Sau đó, theo hướng cải cách thủ tục hành chính, quy định này được xác định gây khó khăn cho người dân, nên đã được bãi bỏ. “Bây giờ, Bộ GTVT đề xuất các trường hợp mất bằng lái đều buộc phải thi lại để cấp mới sẽ rất khó cho những người bị mất thật sự. Việc này sẽ làm phát sinh thời gian và kinh phí không cần thiết,” ông Quyền nhận định.

Ông Quyền nêu giải pháp, từ phía Chính phủ, cần chỉ đạo lực lượng chức năng, nhất là Cảnh sát giao thông cập nhật đầy đủ, kịp thời các trường hợp bị thu giữ bằng lái về cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe đã được Tổng cục ĐBVN chuyển giao công nghệ trước đó.

Các lực lượng chức năng phải cập nhật đầy đủ kịp thời, khi ngành giao thông tiếp nhận đơn trình báo mất bằng lái để xin cấp lại, bộ phận cấp bằng sẽ có trách nhiệm tra cứu dữ liệu, nếu hợp lệ thì cấp lại theo quy định.

“Sự phối hợp của các lực lượng chức năng còn bất cập và lỏng lẻo thì mình phải chỉnh đốn lại khâu này, không thể vì sự phối hợp chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước mà đẩy phần khó về cho người dân”, ông Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Theo MINH TRANG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm