Cập nhật: 12/03/2019 09:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực từ tháng 2/2017 với nhiều mức xử phạt rất nghiêm khắc trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện, nhiều người dân vẫn thờ ơ, không chấp hành.

Hiện nay, trên một số tuyến đường như: đường dẫn từ đường Nguyễn Tất Thành vào thôn Đức Cung, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên; 1 số đoạn đường trên Quốc lộ 2 đoạn qua các xã Tân Tiến, Cao Đại huyện Vĩnh Tường; hay trên quốc lộ 2C đoạn đầu thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, người tham gia giao thông không khỏi bức xúc khi chứng kiến những bãi rác lộ thiên ngập rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng tràn ra cả lòng đường gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông. Theo những người dân sống gần khu vực này, các bãi rác tự phát cứ sau một thời gian được dọn sạch lại tái diễn.

So với các Nghị định trước của Chính phủ, Nghị định 155 đã tăng mức phạt lên nhiều lần đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Theo quy định, thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn. Quy định là vậy, nhưng trên thực thế, phần lớn các địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã hầu như đều chưa xử phạt được trường hợp nào vi phạm, việc thực hiện Nghị định 155 mới chỉ dừng lại ở hoạt động tuyên truyền.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, năm 2018 Chi cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với 18 trường hợp, tổng số tiền xử phạt là trên 350 triệu đồng; lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 07 tổ chức vi phạm, với tổng số tiền xử phạt là trên 1 tỷ đồng. Để Nghị định 155 của Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống và hạn chế được hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì người dân cũng cần nâng cao ý thức hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường./.

Tạ Hương

Tệp đính kèm