Cập nhật: 13/03/2019 15:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm vùng nông thôn thành phố đến năm 2020. Trong đó, phát triển làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (Củ Chi) là một trong sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực…

Sơn mành là khâu đòi hỏi người thợ phải thật lành nghề để bảo đảm tính mỹ thuật cao.

Làng mành trúc Tân Thông Hội nằm trên đường số 28, quốc lộ 22, huyện Củ Chi. Từ nguyên liệu cơ bản và dễ tìm được ở vùng "đất thép" là trúc, người dân nơi đây đã biến trúc thành một sản phẩm mỹ nghệ truyền thống và được tiêu thụ ở nhiều nơi trên thế giới. Làm mành trúc tưởng đơn giản nhưng lại không đơn giản bởi những công đoạn dù nhỏ nhặt nhất vẫn đòi hỏi sự tỉ mỉ công phu của người thợ ở giai đoạn gia công thô. Trong khi đó, một tấm mành trúc được làm ra đòi hỏi tính nghệ thuật rất cao. Khách hàng mua hàng với giá của một tấm mành treo cửa nhưng lại đòi hỏi trên tấm mành đó là họa tiết của một bức tranh nghệ thuật.

Ðể có được tấm mành trúc đạt yêu cầu của những thị trường khó tính thì phải trải qua hàng chục công đoạn phức tạp. Ban đầu, những nhánh trúc được chọn và cắt thành đoạn nhỏ dài chừng 6 cm, trộn với cát và đưa vào lò quay để bỏ hết lớp lụa bên ngoài, rồi đem ngâm trong nước hồ chống mối mọt, đem ra phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 70 đến 800 C. Trúc khô sẽ được xâu lại với nhau thành từng dây bằng những sợi kẽm rồi treo kết thành mành. Ðây là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải quan sát thật kỹ để các dây khâu được đều. Vô trúc là công đoạn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo của người thợ. Ở công đoạn này, người thợ lồng những chiếc mành trúc đã được dệt vào trục rồi dùng kìm xoay các sợi kẽm làm sao cho thật chắc. "Phải là người quen tay, có kinh nghiệm mới làm được, bởi nếu siết chặt quá dây sẽ bị cứng, còn lỏng quá mành sẽ bị xệ", anh Mai Văn Chí, ngụ xã Tân Thông Hội, người có hơn 10 năm trong nghề làm mành trúc giải thích. Ðể vẽ, người thợ dùng một miếng xốp thấm sơn và thể hiện chi tiết trang trí lên mành trúc. Nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, kinh nghiệm, biết xử lý từng nét chấm phá một cách tinh tế, sống động… Tranh mành trúc có nhiều chủ đề thể hiện tùy theo yêu cầu khách hàng như phong cảnh, chân dung… nhưng tinh tế và không kém phần sống động. Sau khi lên mầu hoàn chỉnh, các bức tranh này sẽ được đưa qua khu vực kiểm hóa một lần nữa rồi mới được đóng gói và xuất hàng. Trong nghề làm mành trúc, mỗi người thợ sẽ đảm nhận một công đoạn khác nhau. Do vậy, rất nhiều lao động là phụ nữ lớn tuổi, nội trợ cũng tham gia vào các công đoạn làm mành ngay tại nhà. Mỗi người thợ có thể hoàn thành trung bình 10 tấm mành với giá khoán 20 nghìn đồng/tấm mỗi ngày.

Hai xã Tân Thông Hội và Phước Vĩnh An hiện có khoảng bảy cơ sở lớn chuyên gia công mành mộc cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu mành trúc. Hoạt động của những nơi này đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động và hơn 500 hộ gia công ở các xã lân cận thuộc huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn với thu nhập bình quân khoảng sáu triệu đồng/người/tháng… Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Trần Trường Sơn cho biết, mặc dù không còn được như "thời hoàng kim" nhưng nghề làm mành trúc ở Củ Chi vẫn được duy trì và tạo điều kiện để phát triển. Hiện nay, các cơ sở luôn có đơn hàng từ các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… nhất là đã nhận được nhiều đơn hàng từ nước ngoài. Quy chuẩn cho một tấm mành trúc là 1,2 m x 2 m nhưng cũng có khi các cơ sở, công ty thực hiện những tấm mành cỡ lớn theo yêu cầu của khách hàng. Ông Nguyễn Hữu Bèn, Giám đốc Công ty sản xuất mành trúc Thanh Trúc, chỉ vào tấm mành trúc đã hoàn thiện bề ngang cỡ 2,5 m cho biết: "Chúng tôi còn có những tấm mành cỡ lớn theo đơn đặt hàng của nước ngoài nữa. Hàng chủ yếu để xuất khẩu, cho nên ai đặt gì mình làm nấy thôi". Hiện xưởng ông Bèn có khoảng 30 thợ đang làm việc. Ngoài ra, ông có khoảng ba chi nhánh nhỏ ở nội thành với khoảng 30 thợ nữa.

Nghề mành trúc đã vượt qua rất nhiều thử thách để có được sự phát triển như ngày hôm nay. Có điều, hiện tại làm mành trúc lại không thu hút được lao động bởi đã hơn 10 năm nay không có một ai theo học nghề. Ông Bèn chia sẻ: "Với mức thu nhập khá, công việc ổn định, số lượng khách đặt hàng rất nhiều, nhưng đã hơn 10 năm nay nghề này vẫn chưa có người nối nghiệp, nguy cơ nghề làm mành trúc bị lụi tàn là rất cao".

Theo Quốc Bảo/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm