Trong khi nguồn cung thịt lợn an toàn không khan hiếm và các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không quá lo lắng với thịt lợn, thì nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội lại hạn chế hoặc ngừng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn hằng ngày của học sinh. Thực trạng này gây nhiều ảnh hưởng đến người chăn nuôi, địa phương cần chỉ đạo ngành giáo dục tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn nhà trường, tránh quay lưng với thịt lợn.
Giờ ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Ảnh: THẾ ÐAN
Ngay sau khi Hà Nội công bố phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, nhiều trường mầm non, tiểu học từ dân lập đến công lập trên địa bàn thành phố hạn chế hoặc tạm thời ngừng sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn của học sinh tại trường, thay vào đó là thịt gà, thịt bò, cá, tôm. Nhiều trường đã gửi tin nhắn hoặc dán thông báo công khai, khiến nhiều người bất ngờ, băn khoăn. Tìm hiểu nguyên nhân hạn chế hoặc ngừng sử dụng thịt lợn tại các trường, chúng tôi đều nhận được lý do không phải vì thiếu nguồn cung cấp bảo đảm an toàn, mà vì để phụ huynh yên tâm. Tại Trường tiểu học Kim Ðồng (quận Ba Ðình), lãnh đạo trường cho biết: Nhà trường phối hợp công ty cung cấp bữa ăn cam kết nguồn thịt lợn bảo đảm, an toàn để phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh. Dịch tả lợn châu Phi không lây bệnh sang người, nhưng trong thời gian diễn ra dịch bệnh, bữa ăn có thịt lợn giảm xuống còn hai buổi/tuần để phụ huynh yên tâm. Hằng ngày, đại diện phụ huynh của mỗi lớp kiểm tra công tác bán trú vào các thời điểm khác nhau, từ quy trình giao nhận thực phẩm, chế biến, lấy mẫu thức ăn và tổ chức bữa ăn. Tại Trường mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm), nhà trường đã thông báo đến toàn thể phụ huynh và cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường về việc hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thực phẩm từ lợn để chế biến thức ăn cho học sinh, thay vào đó là thực phẩm tôm, cua, cá, thịt bò, thịt gà. Một số trường dừng hẳn việc sử dụng thịt lợn trong bữa ăn học đường. Trường tiểu học Ðức Giang (huyện Hoài Ðức) khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố, nhà trường đã chủ động tạm dừng món thịt lợn, thay vào các món khác để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh. Trường tiểu học Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên,) ngừng chế biến thịt lợn từ đầu tháng 3 vì phụ huynh yêu cầu. Trường tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) cũng không sử dụng thịt lợn vì có nhiều phụ huynh đề xuất tạm ngừng mặc dù công ty chuyên cung cấp thực phẩm cho trường đã có cam kết về nguồn gốc thịt lợn bảo đảm an toàn thực phẩm…
Việc các nhà trường hạn chế, ngừng sử dụng thịt lợn để phụ huynh yên tâm nhưng lại thiếu cơ sở khoa học, đã vô tình thực hiện không đúng chủ trương chung là không "tẩy chay" thịt lợn. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC) Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Bệnh tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, với tỷ lệ lợn chết cao, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị. Tuy nhiên, bệnh này chỉ gây bệnh trên lợn, mà không lây bệnh ở người, như vậy việc người dân quá lo lắng về thịt lợn là không cần thiết. Tại trường học hay bất cứ ở đâu, thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng thì hoàn toàn dùng được. Ðối với các bếp ăn tập thể ở các trường học hiện nay, điều quan trọng nhất là việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng; bảo đảm ăn chín, uống sôi, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Trước băn khoăn của nhiều người về ảnh hưởng sức khỏe khi ăn phải thịt lợn nhiễm vi-rút gây bệnh tả lợn châu Phi, một chuyên gia y tế cho biết, vi-rút không gây bệnh trên người cho nên không lo bị lây bệnh này. Vi-rút gây bệnh tả lợn châu Phi chết ở nhiệt độ 70oC. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không ăn thịt lợn bị bệnh hoặc bất kỳ con vật nào bị bệnh, vì thực phẩm sẽ không bảo đảm an toàn, gây hại cho sức khỏe. Nếu ăn phải thịt lợn bị các bệnh như: lở mồm long móng, tai xanh, giun xoắn, liên cầu khuẩn ở lợn, các vi khuẩn gây bệnh này sẽ sinh ra những độc tố gây ngộ độc, thậm chí gây chết người. Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) khuyến cáo, nhà trường và người dân cần mua thịt lợn, các sản phẩm từ lợn tại các điểm có uy tín, thịt có nguồn gốc xuất xứ, có xác nhận của cơ quan thú y. Cảm quan khi lựa chọn mua thịt rất quan trọng, thịt phải tươi, ngon; mùi vị bình thường; rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ tay ra và không bị dính… Tuyệt đối không mua, sử dụng thịt lợn biến đổi mầu, có mầu thịt hơi xanh nhạt, hoặc hơi thâm; màng ngoài nhớt nhiều hoặc bắt đầu nhớt; khi ấn tay vào thịt sẽ tạo ra các vết lõm lâu, không trở lại bình thường ngay được. Khi sơ chế, chế biến thịt lợn phải rửa sạch, đun chín kỹ, nhất là không được ăn tiết canh, thịt tái.
Ngành chức năng đang đề nghị các cơ quan, địa phương tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn. Trước thực trạng các trường trên địa bàn Hà Nội hạn chế, ngừng sử dụng thịt lợn, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần chỉ đạo ngành giáo dục tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm tại các nhà trường có bếp ăn tập thể. Việc "tẩy chay" thịt lợn do tâm lý lo sợ kể cả đối với thịt lợn có nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và người chăn nuôi; đồng thời, nguy cơ không an toàn đối với các thực phẩm thay thế vì thiếu sự chủ động cung cấp. Nhà trường cần kiểm soát chặt thực phẩm từ các nhà thầu cung cấp bảo đảm ATVSTP, đồng thời có sự chủ động, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh yên tâm sử dụng nguồn thực phẩm an toàn, thay vì thông báo cắt, giảm thực phẩm mà không có lý do thuyết phục. Các bậc phụ huynh phối hợp nhà trường kiểm soát giá thành, chi phí thực của bữa ăn học đường liên quan nguồn gốc thực phẩm của các đơn vị cung cấp, yêu cầu xuất trình đầy đủ giấy tờ truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại thời điểm cung cấp, lưu mẫu thực phẩm đúng quy định tại các bếp ăn trong trường học, để các cơ quan chuyên môn kiểm tra khi cần thiết.
QUỲNH NGUYỄN VÀ TRUNG TUYẾN
Theo nhandan.com.vn