Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Hiện nay, dịch tiếp tục xuất hiện ở Quảng Ninh và Ninh Bình, đưa số địa phương có bệnh lên 13 tỉnh, thành phố. Bài toán đặt ra lúc này là cấp thiết phải kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời có cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm ổn định tâm lý phòng, chống dịch của người dân.
Kiểm tra một phương tiện vận chuyển lợn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TUẤN ANH
Linh hoạt cơ chế hỗ trợ
Để hỗ trợ người chăn nuôi vực dậy sau dịch bệnh và chủ động khai báo khi có dịch, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Đồng thời bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi.
Ngày 4-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án thanh toán hỗ trợ cho người dân 80% giá thị trường. Do chưa có văn bản hướng dẫn chính thức nên thực tế hiện nay các địa phương có dịch tả lợn châu Phi vẫn đang thực hiện thống kê và hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ với mức 38.000 đồng/kg.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi giá lợn hơi liên tục giảm như hiện nay, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng kiến nghị: Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm quyết định và công khai phương án hỗ trợ để người chăn nuôi có thể yên tâm duy trì đàn lợn, góp phần bảo đảm thị trường thịt lợn không bị xáo trộn. “Hiện Sở NN&PTNT cùng Sở Tài chính đang trình UBND thành phố phương án hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mức hỗ trợ được đưa ra là 80% so giá thị trường”, ông Đăng cho biết và khẳng định thêm, đây là mức hỗ trợ một phần thiệt hại sau dịch bệnh cho người chăn nuôi, chứ hoàn toàn không phải là đền bù thiên tai, dịch bệnh.
Hiện giá lợn tại khu vực miền bắc đang dao động từ 38.000 - 42.000 đồng/kg và vẫn có chiều hướng tiếp tục giảm. Ghi nhận tại một số vùng chăn nuôi trọng điểm của Hà Nội, giá lợn xuất tại chuồng đã giảm xuống mức 38.000 - 39.000 đồng/kg, tương đương mức hỗ trợ của Nhà nước cho lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy.
Tuy nhiên, theo nhiều hộ chăn nuôi lợn rừng, lợn nái, lợn đực giống, mức giá này vẫn thấp hơn nhiều trị giá của con lợn. Đặc biệt, nếu giá lợn tiếp tục giảm trong thời gian tới thì người chăn nuôi sẽ gặp thêm nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hoài, một hộ chăn nuôi tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai - Hà Nội cho rằng, cần phân loại rõ mức hỗ trợ đối với loại lợn thương phẩm và lợn nái, lợn đực giống. Bởi nếu giá thị trường xuống quá thấp thì người dân sẽ không được lợi bằng quy định hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi như hiện nay. Nhiều người cũng lo ngại, khi giá thị trường xuống quá thấp, người dân sẽ lơ là công tác phòng dịch để được hỗ trợ với mức cao hơn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, mức giá hỗ trợ cố định là 38.000 đồng/kg cho lợn mắc dịch bệnh phải tiêu hủy theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP hiện nay đang có nhiều hạn chế. “Nếu thời gian tới, giá lợn tiếp tục giảm bằng hoặc thấp hơn mức hỗ trợ của Nhà nước (38.000 đồng/kg) thì có thể sẽ xảy ra tình trạng người dân bán tháo đàn hoặc buông bỏ đàn, không nỗ lực phòng dịch hay trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước”, ông Sơn lo lắng.
Ảnh: TRẦN KHÁNH
Tích cực kiểm soát bằng công nghệ
Mới đây, TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã có đề xuất cách thức phát hiện ổ dịch bệnh nhanh, kiểm soát được vận chuyển và phương tiện vận chuyển, cơ sở giết mổ, phân phối, nhằm hạn chế mức độ lây lan, khoanh vùng dịch, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất thông qua việc ứng dụng các công nghệ 4.0.
Theo TS Trung, bước đầu quan trọng nhất là việc tổ chức cho người nuôi heo đăng ký điện tử. Người nuôi và các trang trại sẽ tải ứng dụng miễn phí về, nhận code bảo mật và tự khai về tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ, tổng đàn heo, số heo chết... Người chăn nuôi chỉ mất vài phút là đăng ký được trên hệ thống bằng điện thoại thông minh. Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1-1-2020 cũng yêu cầu khai báo đàn chăn nuôi. “Nếu không ứng dụng công nghệ thì không thể thực hiện được việc khai báo cho 2,5 triệu hộ chăn nuôi và hơn 10.000 trang trại trên cả nước”, ông Trung nói.
Dữ liệu tự khai báo sẽ được các cơ quan nhà nước xác nhận bằng cơ sở dữ liệu đang có hoặc các biện pháp khác như qua mạng lưới thú y, cộng tác viên thú y, cán bộ UBND quận, huyện, xã, phường, hay đường dây nóng… và thông tin sẽ lưu lại trong hệ thống. Sau đó các thông tin bổ sung cập nhật bao gồm sử dụng thức ăn gì, vaccine tiêm chủng lúc nào, loại nào, vận chuyển, giết mổ ở đâu, bán cho ai… và đặc biệt thông tin heo chết, heo bệnh. Người nuôi phải thực hiện trách nhiệm báo cáo, cập nhật khi có thay đổi lên hệ thống bằng điện thoại thông minh. Việc thực hiện này còn đơn giản hơn thao tác bán heo truy xuất hiện nay. Nó còn có ý nghĩa rất lớn sau dịch bệnh để hỗ trợ tái đàn phát triển chăn nuôi cũng như công tác thống kê.
Các cơ quan như Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) hay Tổng cục Thống kê cũng đã cùng TE-FOOD (là một ứng dụng hỗ trợ người dùng kiểm tra nguồn gốc của thịt heo đang bán trên thị trường thông qua mã QR được in trên bao bì) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) làm thí điểm việc khai báo đàn chăn nuôi với công nghệ Blockchain (quản lý theo chuỗi, khối) vào năm ngoái tại Việt Nam và đã có những kinh nghiệm quý báu.
Hệ thống TE-FOOD Quản lý đàn chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh còn hỗ trợ trao đổi thông tin trực tiếp và ngay lập tức giữa cơ quan quản lý và người chăn nuôi, giúp họ yên tâm khi nhận thông tin chính thống và sự hướng dẫn xử lý chuyên nghiệp. Tránh tình trạng những thông tin ngoài luồng thiếu chính xác gây hoang mang, thiếu khoa học có thể làm thiệt hại không chỉ cho một vài hộ mà cho cả khu vực chăn nuôi.
Trong trường hợp nghi ngờ dịch bệnh, người chăn nuôi gửi báo cáo về heo chết hay heo có biểu hiện bệnh bằng số liệu, tin nhắn và hình chụp qua ứng dụng TE-FOOD để các cán bộ có trình độ chuyên môn xử lý tức thời. Ngoài ra việc phát hiện dịch bệnh có thể từ trang trại, trên đường vận chuyển, tại cơ sở giết mổ do người dân, người chăn nuôi, cán bộ thú y, đội ngũ cộng tác viên hay cơ sở giết mổ qua ứng dụng chạy trên smartphone hay qua đường dây nóng.
Theo ông Trung, với cách làm này, chúng ta có thể phát hiện trên diện rộng nhanh và chính xác ổ dịch nằm ở đâu để xử lý quyết liệt. Việc xử lý dịch bệnh nếu có sẽ ghi nhận cả việc tiêu hủy heo như số lượng, trọng lượng, phương pháp tiêu hủy… giúp việc hỗ trợ triển khai nhanh chóng, minh bạch, giúp người dân tin tưởng hơn. Hệ thống có thể phân tích dữ liệu cảnh báo hướng phát triển của dịch bệnh, ước đoán thiệt hại.
Vừa qua, Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã báo cáo tại Liên hiệp Các Hiệp hội Khoa học Việt Nam và nhận được nhiều ý kiến hỏi đáp, phản biện tích cực. Sau khi xem xét, lãnh đạo của liên hiệp đã có công văn gửi cho Bộ NN&PTNT xem xét ứng dụng hệ thống TE-FOOD trong tình hình khẩn cấp hiện nay. “Hãy mạnh dạn sử dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ cao như một công cụ hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quản lý bệnh dịch, giảm thiểu thiệt hại cho người dân”, TS Đào Hà Trung khẳng định.
Việc quản lý vận chuyển heo và các phương tiện vận chuyển là một trong những mấu chốt chống dịch, do đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra việc phát tán dịch nhanh chóng. Có thể kiểm soát việc vận chuyển hợp lệ không, đi đâu, số heo từ trại nào, giết mổ ở đâu, xe đã khử trùng chưa…
Theo VĂN PHÚC/ nhandan.com.vn