Vụ việc gần 2.000 trẻ ở Bắc Ninh được đưa về Hà Nội xét nghiệm sán lợn với số trẻ dương tính bước đầu là 209 trẻ, đang khiến dư luận quan tâm.
Nhiều phụ huynh phải tạm gác công việc để đưa con lên Hà Nội làm xét nghiệm sán lợn. Ảnh: VGP/Trường Sơn
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ trước đến nay xét nghiệm chẩn đoán sán lợn thường chỉ làm cho người có nguy cơ hoặc triệu chứng, như bệnh nhân bị động kinh không rõ nguyên nhân, hay bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu, bệnh nhân nghi ngờ ấu trùng sán não, khi bị các nốt dưới da... thì phải làm nhiều xét nghiệm khác để khẳng định. Xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Còn xét nghiệm hàng loạt thì không có ý nghĩa, vì nếu phát hiện dương tính vẫn phải làm thêm các xét nghiệm khác để khẳng định có bị bệnh hay không.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không, cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: Đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và các xét nghiệm đi kèm. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.
Chiều 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế cử ngay đoàn công tác về tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh có phát hiện bệnh, để chỉ đạo phòng, chống bệnh, đẩy mạnh truyền thông, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa; tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc kịp thời khám, điều trị cho người bệnh.
Sự việc này bắt đầu từ việc phụ huynh có con học tại Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) phát hiện thịt lợn đã nấu chín cho trẻ có nhiều hạt nhỏ như gạo, nghi là sán. Nhiều phụ huynh đã yêu cầu nhà trường làm rõ sự việc và không cho trẻ ăn bán trú tại trường. Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Khương đã bị tạm đình chỉ công tác. Được biết, các suất ăn của trẻ tại Trường mầm non Thanh Khương do một công ty trên địa bàn tỉnh cung cấp. Công ty cũng cung cấp suất ăn cho trẻ tại 19 trường khác trên địa bàn.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, hơn 400 trẻ mẫu giáo của Trường mầm non Thanh Khương lên Hà Nội xét nghiệm sán lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Sốt rét ký sinh trùng. Trong 4 ngày từ 15-18/3, đã có gần 2.000 trẻ đến xét nghiệm, trong đó kết quả bước đầu cho thấy có 209 trẻ dương tính với sán lợn.
Ngày 16/3, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh cũng đã yêu cầu ngành y tế, tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí, lựa chọn hình thức phù hợp, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sán lợn gạo đối với các cháu tại các trường mầm non có cùng một đơn vị cung cấp thực phẩm. Đồng thời, rà soát, tổng hợp các cơ sở bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ra văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh tổ chức xét nghiệm đối với học sinh của Trường mầm non Thanh Khương và yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc.
Tính đến hôm nay (19/3), số lượng trẻ từ Bắc Ninh lên xét nghiệm tại 2 bệnh viện vẫn đông, ngay trong sáng 19/3, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 150 trẻ đến xét nghiệm. Tình trạng này đã gây quá tải trầm trọng cục bộ cho bệnh viện, vì gia đình đều muốn được làm xét nghiệm cho con, để được điều trị bệnh kịp thời.
Các chuyên gia về bệnh nhiệt đới, ký sinh trùng cũng cho biết, xét nghiệm sán lợn đối với tất cả các trường hợp bình thường là việc không cần thiết, thậm chí còn gây hoang mang, xáo trộn trong dư luận.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chúng ta cần hiểu chu trình phát triển của sán lợn như sau: Sán trưởng thành nằm trong ruột người, rồi đẻ ra trứng và xuất hiện trong phân người, nếu điều kiện vệ sinh kém, trứng sẽ nhiễm vào nguồn nước/rau, nếu rửa không sạch. Trứng từ đó vào cơ thể người nếu ăn rau sống, thức ăn nấu chưa chín, hoặc uống nước chưa đun sôi và tạo ra các ấu trùng. Ở lợn, ấu trùng có trong thịt (lợn gạo), còn ở người, ấu trùng tạo ra các nang có thể chạy vào não, cơ, mắt...
“Việc xét nghiệm máu sàng lọc hiện nay chỉ phát hiện kháng thể và kháng nguyên của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh. Nếu xét nghiệm máu dương tính cũng chỉ khẳng định là có phơi nhiễm ấu trùng, mà nhiễm ấu trùng là do ăn uống phải nguồn nước, rau sống chứa trứng sán, chứ không phải do ăn thịt lợn chứa ấu trùng. Đề khẳng định do ăn thịt lợn gạo mà bị bệnh sán (trưởng thành) thì phải lấy mẫu phân làm xét nghiệm xem có thấy đốt sán trưởng thành hay không, lúc đó mới khẳng định các cháu bị bệnh sán trưởng thành, chứ không phải bị bệnh do nhiễm ấu trùng”, ông Đỗ Duy Cường giải thích.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cũng phân tích, nếu trẻ bị bệnh do ấu trùng sán lợn thì tỉ lệ trong cộng đồng sẽ thấp, không thành dịch được, vì vậy không cần xét nghiệm hàng loạt. Chỉ dương tính mà không có triệu chứng thì không nguy hiểm cho sức khỏe cũng như cộng đồng, bản chất bệnh lưu hành lẻ tẻ. Vì thế, 209 cháu bị dương tính bệnh sán lợn không có nghĩa 209 cháu đang mắc bệnh.
Cần phải xem lại ở quần thể khác, như người lớn ở đó, hoặc các cháu học sinh ở tỉnh khác, rồi so sánh xem con số đó thực sự cao hay không, từ đó các chuyên gia dịch tễ học phân tích tìm mối nguy cơ.
Điều trị bệnh sán không khó khăn vì có sẵn thuốc cũng như phác đồ của Bộ Y tế, nhưng cần phân biệt bệnh ấu trùng sán lợn hay bệnh sán lợn trưởng thành, để điều trị. Nếu bị bệnh sán trưởng thành (tìm thấy đốt sán trong phân) thì sẽ dùng thuốc tẩy sán praziquantel 15-20 mg/kg cân nặng, uống liều duy nhất. Điều trị bệnh ấu trùng sán lợn (bị ở não, dưới da) tức là phải có triệu chứng, thì sẽ kéo dài hơn: Praziquantel 30 mg/kg/ngày x 15 ngày x 2-3 đợt (mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày).
Để phòng bệnh, theo Cục Y tế dự phòng và các chuyên gia, biện pháp tốt nhất hiện nay là ăn thức ăn chín và uống nước sôi, khi đó cả trứng lẫn ấu trùng sán sẽ bị tiêu diệt và không bị bệnh.
Theo Hiền Minh/chinhphu.vn