Nhiều người mắc bệnh viêm gan siêu vi B vẫn có trị số men gan trong giới hạn bình thường và thường phát hiện tình cờ trong các lần khám sức khỏe tổng quát hoặc phát hiện bệnh đã vào giai đoạn muộn.
Một số người lớn và đặc biệt có tới 90% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể loại trừ và sẽ bị nhiễm bệnh viêm gan siêu vi B mạn tính.
Viêm gan B (hay còn gọi là viêm gan siêu vi B) là tình trạng tế bào gan bị viêm nhiễm hoặc hoại tử cấp tính hay mạn tính do mắc phải virus viêm gan B. viêm gan b là bệnh gan phổ biến trên thế giới, nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.
Đa số người mắc viêm gan B sẽ không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người mắc bệnh vẫn có trị số men gan trong giới hạn bình thường và thường phát hiện tình cờ trong các lần khám sức khỏe tổng quát hoặc phát hiện khi bệnh đã vào giai đoạn muộn.
Hầu hết người lớn khi nhiễm virus viêm gan B cấp có thể tự loại trừ virus và khỏi bệnh, chỉ có khoảng 10% người diễn tiến tới viêm gan B mạn. Tuy nhiên, một số người lớn và đặc biệt có tới 90% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh không thể loại trừ và sẽ bị nhiễm bệnh mạn tính.
Virus viêm gan B tồn tại trong máu và dịch thể, có khả năng lây truyền từ mẹ sang con
Viêm gan B và ung thư gan tại Việt Nam
Việt Nam là nước có tỉ lệ mắc viêm gan B rất cao, theo ước tính cứ 8 người Việt Nam có 1 người mắc viêm gan B mạn tính. Trong đó, lây từ mẹ sang con là đường lây truyền phổ biển nhất ở Việt Nam, do không có thói quen khám sức khỏe tiền sản cũng như không khám thai đầy đủ để được xét nghiệm tầm soát và được tư vấn.
Người mắc bệnh viêm gan B có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp 100 lần so với người không mắc. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 70% các trường hợp tử vong do viêm gan B là vì ung thư gan tiến triển. Đây cũng là ung thư thường gặp và gây tử vong ở Việt Nam, theo thống kê năm 2013 có tới 31.000 ca tử vong do ung thư gan, đa phần đều phát hiện trễ.
Cần đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm sang lọc viêm gan B
Các đường lây truyền viêm gan B
Virus viêm gan B tồn tại trong máu và dịch thể, có khả năng lây qua 3 đường:
- Qua đường máu (tiếp xúc trực tiếp giữa các vết thương với người nhiễm viêm gan B; dùng chung kim tiêm, dao cạo, bàn chải… đã dính máu có chứa virus, truyền máu không an toàn).
Viêm gan B nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan
- Qua quan hệ tình dục không an toàn.
- Lây từ mẹ sang con trong lúc sinh.
Virus viêm gan B có thể tồn tại ngoài cơ thể tới 7 ngày trong khi HIV chỉ tồn tại vài giờ ngoài cơ thể, khả năng lây nhiễm virus viêm gan B cao gấp 50 - 100 lần so với HIV. Tuy nhiên, viêm gan B không lây truyền qua ăn uống và các tiếp xúc khi giao tiếp thông thường như ôm, hôn, bắt tay… cũng như không lây qua sữa mẹ.
Viêm gan B cấp - Viêm gan B mạn
Khi cơ thể mới nhiễm virus siêu vi B (viêm gan B cấp) có thể dẫn tới 1 trong 3 tình huống:
1. Tiến triển thành viêm gan tối cấp: tỷ lệ này rất nhỏ (1%) nhưng hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Hàng loạt tế bào gan tổn thương nặng nề, dẫn tới suy gan cấp, thậm chí tử vong.
2. Phục hồi sau khi nhiễm và tạo ra miễn dịch bảo vệ: cơ thể tự loại bỏ virus viêm gan B sau vài tháng và tạo được miễn dịch bảo vệ hầu như suốt đời. Hiện nay không có thuốc chữa khỏi viêm gan B cấp mà chỉ có thuốc điều trị hỗ trợ.
3. Tiến triển thành viêm gan B mạn: Cơ thể không loại bỏ virus dẫn tới mắc viêm gan mạn. Hiện nay đã có thuốc kháng virus điều trị hiệu quả viêm gan B mạn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần khám theo dõi và sàng lọc ung thư gan định kỳ để phát hiện sớm tổn thương gan.
Làm sao biết bản thân nhiễm viêm gan B?
Như đã nói, đa số người mắc viêm gan B cũng như ung thư gan không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh âm thầm diễn tiến, đa phần đến giai đoạn muộn mới biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài. Một số triệu chứng viêm gan B cấp như vàng da, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, chán ăn thường thoáng qua và dễ dàng nhầm lẫn với nhiều bệnh thông thường khác.
Cho nên, để biết bản thân có nhiễm viêm gan B hay không, cần đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm sang lọc viêm gan B. Hiện nay có thể sàng lọc viêm gan B bằng các xét nghiệm đơn giản sau đây:
1. HBsAg: Nếu HBsAg(+) kéo trên 6 tháng nghĩa là bệnh nhân đã mắc viêm gan B mạn. Người có HBsAg(+) cần được tư vấn và khám định kỳ để giảm nguy cơ tiến triển thành bệnh gan mạn và ung thư gan.
2. Anti-HBs Xét nghiệm anti-HBs để kiểm tra xem đã có miễn dịch bảo vệ hay chưa. Anti-HBs tạo ra sau tiêm phòng hoặc do trước đây đã mắc virus viêm gan B và tự hồi phục.
Để phòng ngừa, cần tiêm ngừa vắcxin viêm gan B cho người chưa bị nhiễm
Dự phòng viêm gan B và ung thư gan do viêm gan B
Điều đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm gan B đối với bản thân chính là tiêm ngừa vắcxin viêm gan B cho người chưa bị nhiễm. Đối với trẻ sơ sinh, cần tiêm vắcxin viêm gan B cho tất cả trẻ em trong vòng 24g sau sinh và các mũi sau theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
Tiêm vắcxin phòng viêm gan B đầy đủ có thể tạo miễn dịch lâu dài. Trên thực tế, đây là “vắcxin chống ung thư” đầu tiên, với hơn một tỷ mũi được sử dụng trên toàn thế giới, các nghiên cứu khoa học đã cho thấy vắcxin viêm gan B là một trong những vắcxin an toàn nhất từ trước đến nay.
Người mắc viêm gan B có thể sống khỏe mạnh bình thường nếu được khám theo dõi và đánh giá thường xuyên mức độ tổn thương gan và tầm soát ung thư gan định kỳ. Phát hiện và chẩn đoán sớm các tổn thương gan sẽ giúp việc điều trị được hiệu quả. Song song với đó, người mắc viêm gan B cũng cần có biện pháp dự phòng lây truyền virus sang người khác.
Các bà mẹ mang thai nhiễm viêm gan B nên khám và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế. Hiện nay, trẻ sơ sinh từ các bà mẹ nhiễm viêm gan B có khả năng phòng ngừa nhiễm viêm gan B từ mẹ hiệu quả nhờ tiêm vắcxin viêm gan B sớm sau sinh phối hợp với tiêm kháng thể kháng HBV cho trẻ. Sau đó, tiêm đủ 3 mũi vắcxin viêm gan B theo đúng lịch tiêm chủng.
BS. BÙI ANH TRIẾT
Theo suckhoedoisong.vn