Trước những thông tin về dịch bệnh tả lợn châu Phi, rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh tỏ ra rất lo lắng và rất thận trọng khi sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Điều này khiến sức mua thịt lợn tại các cửa hàng bán thịt lợn cũng như tại các chợ giảm hẳn.
Theo chợ Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, rất nhiều tiểu thương ở đây tỏ ra rất bức xúc trước thông tin không chính xác trên các trang mạng xã hội về bệnh tả lợn châu Phi khiến đại đa số người tiêu dùng tỏ ra hoang mang, lo lắng, không dám sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Thậm chí, một số tiểu thương rất bất bình trước việc một bộ phận tư thương đã lợi dụng dịch bệnh này để ép giá thu mua, gây khó khăn cho người chăn nuôi.
Trước tình hình lây lan nhanh của dịch tả lợn châu Phi, trong đời sống tiêu dùng đã xuất hiện tâm lý “tẩy chay” thịt lợn. Trả lời câu hỏi về sự lo lắng của người tiêu dùng, nhiều ý kiến người dân cho rằng: Qua theo dõi trên các cơ quan báo chí chính thống và tuyên truyền của các cơ quan chức năng, họ được biết dịch tả lợn Châu Phi không lây lan sang người và khi được chế biến ở nhiệt độ trên 70 độ C, virus sẽ bị tiêu diệt. Do đó, họ hoàn toàn yên tâm khi sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các địa phương trong tỉnh đang quyết liệt trong việc phòng, chống dịch bệnh. Mong muốn lớn nhất của người dân hiện nay là dịch tả lợn châu Phi nhanh chóng chấm dứt ở Việt Nam. Tuy nhiên điều này không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Việc của ngành chăn nuôi là vẫn phải đảm bảo cung cấp thịt cho người tiêu dùng. Ăn thịt lợn lúc này, người tiêu dùng sẽ góp phần đáng kể cùng các cơ quan quản lý tham gia chống dịch. Sự vô tình của người tiêu dùng sẽ làm trầm trọng thêm công tác phòng, chống dịch bệnh đang diễn ra trong giai đoạn hiện nay./.
Thu Thủy