Cập nhật: 25/03/2019 08:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ dân khu vực nông thôn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chương trình nông thôn mới, những năm qua, Vĩnh Phúc đã tăng cường nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các địa phương, nhất là các địa phương khó khăn về nguồn nước, các địa phương có nguồn nước ô nhiễm, không hợp vệ sinh.

Trước đây, người dân các xã của hai huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc phải sử dụng nước giếng khơi hoặc nước giếng khoan, nhưng do chất lượng nước không đảm bảo bởi tính chất địa tầng của vùng đất, do vậy nguồn nước ngầm khi sử dụng chưa được xử lý nên còn tồn dư nhiều kim loại nặng, có nơi nguồn nước còn nhiễm cả asen nên đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân về sử dụng nước sạch, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng, cuối năm 2014, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã khởi công xây dựng công trình nước sạch tập trung liên xã Đại Tự và Phú Đa với công suất thiết kế 2.400 m3/ngày/đêm; đồng thời triển khai dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung liên 12 xã huyện Vĩnh Tường với công suất 8000 m3/ngày/đêm. Đây là 2 trong số 5 công trình được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới cho 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2018, các công trình cấp nước tập trung cụm xã và liên xã đã nhanh chóng triển khai lắp đặt đường ống cấp nước, đồng hồ sử dụng nước tới các hộ dân tại địa bàn. Sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công trình đã đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước sạch của hơn 11.000 hộ dân của 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc. Qua đánh giá của ngành chức năng, chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của Bộ Y tế, góp phần giúp người dân trong vùng được sử dụng nước sịnh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 80%; đồng thời giúp các địa phương được hưởng lợi trong dự án duy trì tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 10 công trình nước sinh hoạt tập trung quy mô xã, liên xã, cung cấp nước sạch cho 35.000 hộ dân, tập trung ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch. Đối với các vùng trung du, miền núi chưa có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sạch, các cấp, ngành, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đã triển khai lắp đặt thiết bị xử lý nước sinh hoạt đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Y tế cho hàng vạn gia đình tại các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch và  Sông Lô.  

Bồ Sao là 1 trong 7 xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đến nay đã đưa công trình nước sạch đi vào khai thác. Được biết, trước đây, nguồn cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày của người dân trong xã chủ yếu từ giếng khoan, chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng không đảm bảo quy trình.

Ngay khi dự án được triển khai, xã Bồ Sao đã thành lập Ban chỉ đạo phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, các Hội, đoàn thể thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền để nâng cao nhận thức, vận động người dân đấu nối sử dụng, đáp ứng theo công suất thiết kế. Xã tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu tập trung thi công mạng lưới đường ống; tổ chức đấu nối đến hộ gia đình. Sau những nỗ lực của đơn vị thi công cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền và nhân dân trong xã, đến tháng 1/2018, công trình hoàn thành việc lắp đặt và có trên 90% số hộ đăng ký đấu nối dẫn nước sạch. Phần lớn người dân thấy yên tâm khi sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt cũng như sản xuất.

Vĩnh Phúc có nguồn tài nguyên nước phong phú. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước đã và đang bị ô nhiễm do ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng của các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở chăn nuôi, làng nghề. Để khắc phục tình trạng trên, những năm qua, cùng với ban hành các cơ chế, chính sách, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cấp nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến hoạt động đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung quy mô xã, liên xã tại các vùng đồng bằng, vùng bãi ven sông có nguồn nước bị ô nhiễm.

Việc quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tại các địa phương không chỉ góp phần nâng cao, cải thiện đời sống, sức khỏe cho người dân mà còn giúp Vĩnh Phúc sớm tiến tới mục tiêu trở thành tỉnh nông thôn mới. Tỉnh ta phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Lê Dũng

Tệp đính kèm