Ngày 31-3, hơn 30 triệu cử tri U-crai-na đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Trong số gần 40 ứng cử viên, Tổng thống đương nhiệm P.Pô-rô-sen-cô và lãnh đạo đảng Tổ quốc, cựu Thủ tướng U-crai-na Y.Ti-mô-sen-cô được đánh giá là có nhiều khả năng trúng cử. Tuy nhiên, trong các cuộc thăm dò, nam diễn viên V.Dê-len-xki thuộc đảng Người phục vụ nhân dân cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.
Tổng thống U-crai-na P. Pô-rô-sen-cô tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Ảnh Tân Hoa Xã
Theo khảo sát của Viện Phân tích và dự báo U-crai-na, gần 85% số cử tri cho biết sẽ đi bỏ phiếu; cao hơn nhiều so cuộc bầu cử năm 2014, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người dân U-crai-na trong cuộc bầu cử tổng thống lần này. Chiến dịch tranh cử tổng thống tại U-crai-na chính thức bắt đầu từ ngày 31-12-2018. Trong ba tháng qua, kết quả của các cuộc thăm dò dư luận đưa ra các số liệu không quá khác biệt. Vị trí dẫn đầu thuộc về ông V.Dê-len-xki với khoảng 25% số phiếu ủng hộ. Cựu Thủ tướng Y.Ti-mô-sen-cô và Tổng thống P.Pô-rô-sen-cô thay nhau nắm giữ vị thứ hai và ba theo số liệu của hai cuộc thăm dò dư luận gần đây. Kết quả nêu trên cho thấy khả năng không có ứng cử viên nào nhận được đủ số phiếu bầu cần thiết để giành chiến thắng ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Nhiều khả năng U-crai-na sẽ phải tổ chức vòng bỏ phiếu thứ hai, dự kiến vào ngày 21-4 tới.
Trong chiến dịch tranh cử lần này, Tổng thống P.Pô-rô-sen-cô đã đưa ra các cam kết về chấm dứt bạo lực ở miền đông nước này, cải thiện đời sống người dân, đẩy mạnh quan hệ với Liên hiệp châu Âu (EU) và giảm bớt căng thẳng với Nga. Ông P.Pô-rô-sen-cô được giới chức đánh giá là một trong những ứng cử viên tiềm năng. Tuy nhiên, mới đây, báo giới đã phanh phui vụ bê bối tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng liên quan các quan chức thân cận với Tổng thống P.Pô-rô-sen-cô, kéo theo các cuộc biểu tình, ảnh hưởng không nhỏ đến chiến dịch tranh cử và uy tín của ông.
Là một chính trị gia kỳ cựu, từng giữ chức Thủ tướng U-crai-na, bà Y.Ti-mô-sen-cô được xem là đối thủ "nặng ký" trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay. Các nhà phân tích cho rằng, bà Y.Ti-mô-sen-cô là ứng cử viên có nhiều kinh nghiệm qua hai cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2010 và 2014. Trong cuộc tranh cử lần này, bà Y.Ti-mô-sen-cô đã cam kết tăng lương và lương hưu trung bình, giảm giá xăng cho các hộ gia đình và giúp việc tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn nhằm thu hút các cử tri.
Một nhân tố đầy bất ngờ trong cuộc tranh cử năm nay là ứng cử viên V.Dê-len-xki. Ông V.Dê-len-xki từng là diễn viên trong một bộ phim truyền hình ăn khách với vai một giáo viên môn lịch sử giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử và trở thành tổng thống U-crai-na. Ông V.Dê-len-xki cho biết, sẽ tập trung giải quyết nạn tham nhũng ở U-crai-na nếu ông nhậm chức, giống như nhân vật của mình trong loạt phim. Bên cạnh đó, ứng cử viên dẫn đầu cũng đưa ra cam kết về một cơ chế giúp người dân U-crai-na xác định các nhiệm vụ cho chính phủ thông qua trưng cầu ý dân. Ông V.Dê-len-xki đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các cử tri, song giới quan sát cho rằng, ông còn thiếu kinh nghiệm chính trị, khả năng lãnh đạo U-crai-na và cần đưa ra các chính sách tranh cử rõ ràng hơn.
Nền kinh tế U-crai-na đang có dấu hiệu phục hồi sau suy thoái, tuy nhiên vẫn phải dựa vào các nhà tài trợ nước ngoài và chương trình viện trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Vào tháng 12-2018, IMF đã phê duyệt khoản vay cho U-crai-na trị giá gần bốn tỷ USD trong 14 tháng, kèm theo một số điều kiện như giảm nợ công, lạm phát, củng cố lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, tình hình xã hội và chính trị của U-crai-na hiện nay vẫn phức tạp do những bất ổn ở miền đông hay nạn tham nhũng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ứng cử viên trúng cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần này được kỳ vọng có thể sớm ổn định tình hình chính trị, xã hội cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng mong mỏi của người dân U-crai-na.
MINH ANH
Theo nhandan.com.vn