Cập nhật: 30/03/2019 10:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày nay, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ sử dụng điện thoại vào nhiều mục đích khác nhau như: để nghe, gọi, chụp ảnh, nhắn tin, lên mạng, facebook… mọi lúc mọi nơi. Thậm chí ngay cả khi đang tham gia giao thông họ cũng sử dụng điện thoại. Việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện mất tập trung; lúng túng khi xử lý khi gặp tình huống bất ngờ và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dễ gây ra tai nạn...

Quy định cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy, ô tô đã có từ lâu, nhưng tỷ lệ người vi phạm vẫn rất phổ biến trên đường phố. Vừa lái xe vừa nhắn tin hay gọi thoại, lướt web… đã trở thành thói quen của không ít người và đây chính là một trong những thói quen nguy hiểm, vì khi sử dụng điện thoại đồng thời với điều khiển phương tiện đã không còn đảm bảo an toàn giao thông cho chính bản thân và những người xung quanh.

Hiện nay, tình trạng người điều khiển ô tô, xe máy sử dụng điện thoại vẫn còn rất phổ biến. Nhiều người cứ chăm chú vào điện thoại nên không thể quan sát được phương tiện trước mặt, sau lưng, bên cạnh đang lưu thông. Đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những người điều khiển phương tiện cùng lưu thông. Nguy hiểm hơn, thói quen sử dụng điện thoại trong lúc tham gia giao thông, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các đối tượng cướp giật tài sản và đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến không ít vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định: “Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động”. Người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại di động vẫn diễn ra phổ biến.

Thiết nghĩ, việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông thật sự là điều không cần thiết, không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn gây nguy hiểm cho bản thân và những người đang lưu thông trên đường. Do đó, để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại di động, đã đến lúc các lực lượng chức năng cần tích cực vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Và điều cốt yếu là mỗi người trong chúng ta hãy tự giác bỏ thói quen chết người này để tránh những hiểm họa khôn lường xảy ra .

Trường Giang

Tệp đính kèm