Cập nhật: 02/04/2019 14:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tranh cãi giữa Mỹ với nước láng giềng Mexico cùng 3 quốc gia Trung Mỹ là Guatemala, Honduras và El Salvador đang leo lên mức độ căng thẳng mới.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đe dọa đóng cửa biên giới phía Nam với Mexico để ngăn chặn dòng người di cư từ 3 nước Trung Mỹ. Đe dọa mới nhất này được đưa ra ngày 31/3, một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố cắt viện trợ các nước Trung Mỹ với lý do các nước này không triển khai các biện pháp hiệu quả đủ để ngăn làn sóng di cư vào Mỹ. Trong khi đó, các biện pháp siết chặt biên giới của Tổng thống Trump cũng chưa thể mang lại hiệu quả khi vấp phải sự chống đối từ nội bộ trong nước.

Đoàn xe ùn tắc tại biên giới Mỹ - Mexico hôm 31/3. Ảnh: AFP.

Ông Trump kiên quyết gây sức ép

Ngày 30/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bộ này sẽ thực hiện chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump về việc kết thúc các chương trình hỗ trợ nước ngoài của năm tài khóa 2017-2018 cho Guatemala, Honduras và El Salvador, và Bộ Ngoại giao sẽ làm việc với Quốc hội trong tiến trình này. Tuy nhiên, năm tài khoá 2017-2018 đã kết thúc từ ngày 30/ 9/2018 và Bộ Ngoại giao Mỹ không nói rõ là còn bao nhiêu tiền viện trợ chưa được chuyển cho ba quốc gia này. Do vậy, động thái trên của Chính quyền Donald Trump có thể chỉ mang tính biểu tượng và là cách để tiếp tục gây sức ép với Quốc hội Mỹ về ngân sách xây tường biên giới với Mexico.

Những năm gần đây, hàng chục nghìn người chạy trốn đói nghèo và bạo lực ở Guatemala, Honduras và El Salvador đã tìm cách vượt biên vào Mỹ thông qua lãnh thổ Mexico. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới, chỉ tính riêng trong tháng 2 vừa qua hơn 76.000 người di cư đã bị tạm giữ, con số cao nhất trong vòng 12 năm. Hầu hết trong số đó là những người di cư đến từ Trung Mỹ. Dường như, Tổng thống Donald Trump nghĩ rằng ông có thể kiểm soát được tình hình bằng cách gây áp lực để chính phủ Guatemala, Honduras và El Salvador hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Mỹ trong bảo vệ biên giới.

Tháng 12/2018, Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận tăng đáng kể đầu tư vào ba nước trên với hy vọng ngăn chặn dòng người di cư. 1,3 tỷ USD viện trợ phát triển chính thức của Mỹ cho khu vực Trung Mỹ trong hai năm qua chủ yếu dành cho ba quốc gia này.

Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ mà ông Donald Trump tuyên bố cắt ít hơn rất nhiều số tiền mà những người lao động ba nước kiếm được tại Mỹ và gửi về cho gia đình. Năm 2017, những người di cư đến từ Tam giác phía Bắc làm việc tại Mỹ đã gửi cho gia đình hàng tỷ USD. Cụ thể, hơn 5 tỷ gửi về El Salvador, 4 tỷ USD gửi về Honduras và 8,68 tỷ USD gửi về Guatemala, tương ứng với 20,1%, 17,4% và 11,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần lượt của ba nước. Trong khi đó, năm 2016, Mỹ chỉ viện trợ hơn 131 triệu USD cho Guatemala, hơn 98 triệu USD cho Honduras và gần 68 triệu USD cho El Salvador. Kể từ thời điểm đó, Quốc hội Mỹ đã duyệt chi khoảng 2,1 tỷ USD cho chương trình hỗ trợ ba nước nêu trên nhưng cũng đặt ra những điều kiện ngặt nghèo cho việc nhận hỗ trợ.

Liên minh các nhà lãnh đạo toàn cầu Mỹ (USGLC) cảnh báo rằng việc cắt giảm hỗ trợ cho Tam giác phía Bắc sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với các gia đình đang sinh sống tại ba quốc gia này và điều đó sẽ chỉ khuyến khích thêm nhiều người di cư đến Mỹ.

Tác động tới quan hệ Mỹ-Mexico

Dự kiến, vào ngày 5/4 tới, Tổng thống Donald Trump sẽ có chuyến thị sát Calexico, bang California, một thị trấn biên giới nơi mà các phân đoạn của hàng rào biên giới với Mexico đã được dựng lên gần đây. Cùng ngày, ông Donald Trump cũng sẽ đến thăm thành phố Los Angeles, bang California và thành phố Las Vegas, bang Nevada, những nơi hiện có khá đông người nhập cư đang sinh sống và làm việc nhằm đánh giá những quan điểm khác nhau của cư dân địa phương về vấn đề nhập cư. Rất có thể sau chuyến thị sát này ông Donald Trump sẽ đưa ra quyết định đóng cửa một phần hay toàn bộ tuyến biên giới trên đất liền dài hơn 3.100 km với Mexico.

Nếu Tổng thống Donald Trump quyết định đóng cửa toàn bộ tuyến biên giới với Mexico sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với quan hệ song phương, mà nguy hiểm nhất là về mặt kinh tế-thương mại cũng như quan hệ chính trị. Hoạt động trao đổi thương mại tại biên giới phía Nam của Mỹ đạt tới 611 tỷ USD trong năm 2018. Các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào hoạt động trao đổi thương mại sôi động này hàng ngày.

Người dân Mỹ và Mexico ở hai bên biên giới qua lại hàng ngày để kiếm sống. Mexico hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống ma túy và nhập cư bất hợp pháp. Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ đóng cửa biên giới vì cho rằng Mexico sẽ không ngăn chặn các đoàn di cư trên đường đến Mỹ.

Thực tế, Tổng thống Mexico Andres Obrador, đã là một đồng minh của Tổng thống Donald Trump ngay cả khi ông Trump vận động chống lại ông Obrador từ trước khi đắc cử. Kể từ khi nhậm chức chức, Tổng thống Obrador luôn muốn duy trì mối quan hệ tốt với Chính quyền Trump và sẵn sàng giữ những người xin tị nạn ở lại bên phía Mexico, cho dù phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhà hoạt động nhân quyền, thay vì để họ vượt biên giới vào Mỹ.

Các nhà lãnh đạo và nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ nhiều lần khẳng định rằng không hề có cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico và thực tế vấn đề đang bị chính quyền Donald Trump đẩy lên quá mức. Đây chắc chắn sẽ là một trong những chủ đề chính mà cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tập trung khai thác và công kích lẫn nhau trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2020 được dự báo sẽ diễn ra rất căng thẳng.

Đại diện đảng Dân chủ đã đỗ lỗi cho Chính quyền Donald Trump, cho rằng họ đã biết trước hàng tháng, thậm chí hàng năm, rằng các gia đình nhập cư có thể đổ về biên giới Mỹ, gây ra tình trạng quá tải. Đảng Dân chủ cũng cho rằng Chính quyền Trump tỏ ra chậm chạp trong việc giải ngân các khoản tiền nhằm xử lý nguyên nhân gốc rễ của nạn di cư ở El Salvador, Guatemala và Honduras. Theo một số Hạ nghị sỹ Dân chủ, Bộ An ninh Nội địa chưa có những bước đi hợp lý để đối phó với xu hướng nhiều gia đình và trẻ em nhập cư dồn về Mỹ trong dài hạn. Phe Dân chủ Escobar cho rằng, nếu Tổng thống Donald Trump thực sự coi tình hình ở biên giới là tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông cần tích cực hơn trong việc cung cấp nơi lưu trú và chăm sóc cho những người nhập cư.

Trong khi đó, với quan điểm "không khoan nhượng", chính quyền ông Donald Trump đã tìm cách truy tố tất cả những người bị nghi vượt biên bất hợp pháp, gia tăng thời gian chờ đợi đối với những người xin tị nạn, buộc các gia đình xin tị nạn phải lưu lại Mexico, chỉ chấp nhận một số lượng người xin tị nạn nhất định tại cửa khẩu mỗi ngày. Nhiều người nhập cư nói họ đã cố tìm đường vào Mỹ khi bị từ chối tại cửa khẩu. Tuy nhiên, chính quyền ông Donald Trump vẫn kiên định với quan điểm của mình.

Theo PV/VOV.VN

Tệp đính kèm