Cập nhật: 04/04/2019 15:28:00
Xem cỡ chữ

Sau 3 năm triển khai Đề án 01 của Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2021, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đạt nhiều kết quả, giảm 5 đơn vị phòng thuộc sở và 33 trường THPT, tiểu học, trường mầm non, qua đó góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan, đơn vị, trường học trong ngành.

Năm học 2017-2018, trường THPT Đội Cấn mới được sáp nhập từ trường THPT Đội Cấn cũ và trường THPT Hồ Xuân Hương theo đề án 01 của Tỉnh ủy. Đến nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, nhà trường đã ổn định về công tác tổ chức, chất lượng công tác dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực, bộ máy quản lý được tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Năm học này, nhà trường có tổng số 103 cán bộ, giáo viên và nhân viên, 5 tổ chuyên môn, 39 lớp các khối với trên 1.500 học sinh. Theo thầy giáo Phan Hữu Tươi, hiệu trưởng nhà trường: khi thực hiện sáp nhập theo yêu cầu của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, nhà trường có nhiều thuận lợi cơ sở vật chất ở gần nhau, đội ngũ cán bộ giáo viên cơ bản là người địa phương mặt khác giữa hai trường thường xuyên có sự giao lưu về chuyên môn, văn hóa văn nghệ, thể thao,… nên sau khi sáp nhập việc hòa đồng khá nhanh và thuận lợi. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, ban giám hiệu nhà trường phải tháo gỡ rất nhiều vướng mắc nhằm đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, giáo viên; sắp xếp phân công nhân sự phù hợp với chuyên môn của từng cán bộ, giáo viên.

Tháng 8 năm 2018, trường tiểu học Quất Lưu và THCS Quất Lưu, xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên sáp nhập thành trường TH&THCS Quất Lưu. Nhà trường hiện có 23 lớp với 790 học sinh. Trong đó khối tiểu học có 16 lớp bằng 556 học sinh, khối THCS 7 lớp với 234 học sinh. Tuy mới sáp nhập với thời gian 6 tháng, song hiện nay các hoạt động của nhà trường đã đi vào quy củ, nề nếp, chất lượng công tác dạy và học đảm bảo. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, hiệu trưởng trường TH&THCS xã Quất Lưu cho biết: sau khi sáp nhập số học sinh và giáo viên đông hơn thuận lợi cho các phong trào ngoại khóa và hoạt động văn thể của trường. Đồng thời nhà trường điều động phân công giáo viên các môn: thể dục, mỹ thuật, âm nhạc, tiếng anh dạy chung cho hai cấp học, giải quyết hiệu quả vấn đề thiếu giáo viên. Bên cạnh những thuận lợi, nhà trường còn một số khó khăn do hai điểm trường cách xa nhau, đội ngũ cán bộ quản lý của trường thường xuyên phải di chuyển để thực hiện nhiệm vụ; mặt khác nội dung, chương trình, thời gian biểu giữa hai cấp học khác nhau nên khó khăn trong việc tổ chức các cuộc họp hội đồng sư phạm nhà trường.

Trong quá trình  triển khai Đề án 01 của Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2021; ngành GD&ĐT tỉnh xây dựng nhiều giải pháp thực hiện như dồn ghép, sáp nhập các trường, điểm trường có quy mô nhỏ lẻ, gần nhau; thực hiện kiêm nhiệm một số vị trí nhân viên phục vụ như văn thư, thủ quỹ, thư viện, chuyển nhân viên y tế trường học về trạm y tế cấp xã ở gần trường để kiêm nhiệm làm công tác y tế trường học. Đi cùng với đó, ngành thực hiện đào tạo lại giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp để bố trí việc làm mới; bố trí giáo viên cùng một lúc dạy nhiều trường để khắc phục việc thừa, thiếu cục bộ. Sau 3 năm thực hiện, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả. Cụ thể, sở đã hoàn thành tổ chức, sắp xếp lại bộ máy cơ quan, giảm từ 14 phòng xuống còn 9 phòng; giảm 7 trường trung học phổ thông và 26 trường THCS, tiểu học, trường mầm non; ngành đã hoàn thành đề án chuyển Trường cao đẳng Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc bàn giao về Sở Lao động TB&XH quản lý; chuyển Trường Phổ thông trung học cơ sở dân tộc nội trú Lập Thạch và THCS dân tộc nội trú Tam Đảo về UBND cấp huyện quản lý; chuyển Trường mầm non Hoa Hồng về UBND thành phố Vĩnh Yên quản lý. Đồng thời, chuyển nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh các trường THPT về trạm y tế cấp xã gần trường kiêm nhiệm công tác này. Đặc biệt, trong ba năm qua toàn ngành tinh giản 96 biên chế là cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động các phòng, ban, nhà trường thuộc sở và giảm 233 biên chế các nhà trường cấp huyện, qua đó góp phần tinh giản bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, ngày càng chất lượng hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đặt ra cho ngành GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc nhiều vấn đề cần phải có giải pháp tháo gỡ, khắc phục để các nhà trường thực hiện tốt công tác dạy và học. Thực trạng hiện nay, sau khi sáp nhập các trường THCS và tiểu học đang nảy sinh một số vướng mắc, một số trường, điểm trường TH&THCS cách xa nhau nên công tác chỉ đạo, quản lý chuyên môn của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cũng gặp không ít khó khăn. Hoạt động dạy học ở hai cấp có đặc thù khác nhau, độ tuổi, tâm lý học sinh khác nhau, cơ chế hoạt động và thời gian học khác nhau nên không tránh khỏi sự chồng chéo về chuyên môn và khó thống nhất các hoạt động chung cho các nhà trường.

Mong rằng trong thời gian tới ngành GD&ĐT tỉnh nhà sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các nhà trường, qua đó thực hiện tốt chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, góp phần xây dựng ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc ngày càng phát triển.

Lê Minh