Phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước đã có những bước phát triển mới, ngày càng đi vào chiều sâu và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt từ năm 2000, Thủ tướng ký quyết định số 43 lấy ngày 7.4 hằng năm trở thành ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, người dân càng có ý thức hơn với hoạt động ý nghĩa và đầy tính nhân văn này.
12 lần trực tiếp hiến máu, trong đó 2 lần gạn tiểu cầu, 10 lần hiến máu toàn phần; cùng với đó, mỗi năm vận động được hơn 50 người dân trên địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cùng tham gia. Đó là những gì mà anh Chương Chí Công đã làm được cho phong trào hiến máu tình nguyện.
Mặc dù, anh thuộc nhóm máu hiếm (B RH -), với tỷ lệ người dân Việt Nam thuộc nhóm máu này là 0,04%, nhưng bất kể có thông tin bệnh nhân cấp cứu mà cần nhiều đơn vị máu cần đến nhóm máu của anh, anh đều không nề hà.
Anh Chương Chí Công - Bí thư Đoàn thanh niên xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: Năm 2018, khi nhận được cuộc gọi của bệnh viện tôi đã lên đường và đến thẳng địa điểm lấy máu của viện. Trên tinh thần thanh niên xung kích trên mọi mặt trận bản thân tôi cũng được các bác sỹ trao đổi, thông tin đến hiến máu, bản thân tôi luôn sẵn sàng khi mà đủ được thời gian tối thiểu cho lần hiến máu, hoặc một lần gạn tiểu cầu, tôi luôn sẵn sàng.
Không chỉ hiến máu, anh Công còn đến từng nhà, huy động từng người dân tham gia. Và gia đình ông Nguyễn Văn Tỉnh là minh chứng điển hình cho sức lan tỏa về phong trào hiến máu tình nguyện, cứu người tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: Phong trào rất sâu rộng, từ nông thôn, thành thị cho đến các nơi tôi thấy, chương trình đi về các xã, thuận tiện nên gia đình nắm bắt động viên tham gia chương trình, tôi đọc báo nên biết được hào hứng tham gia, đóng góp nhỏ cho xã hội, tôi thì 7 lần hiến, vợ thì 4 lần, các con cũng hào hứng.
Sau gần 30 năm, phong trào hiến máu tình nguyện đã không ngừng phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đáp ứng phần lớn nhu cầu máu cho công tác cấp cứu và điều trị bệnh. Số lượng máu năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 1994, toàn quốc mới chỉ tiếp nhận được khoảng 140 nghìn đơn vị máu thì đến năm 2018, cả nước đã vận động và tiếp nhận được 1.400.000 đơn vị, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 98%.
Những người bệnh thiếu máu, chờ máu để điều trị như bệnh Thalasimia ( tan máu bẩm sinh) mỗi giọt máu cho đi của người hiến chính là sự sống được hồi sinh. Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại, lan toả phong trào hiến máu nhân đạo đồng nghĩa càng có nhiều người thêm cơ hội được hồi sinh./.
Theo Truyền hình Thông tấn