Thời gian qua, nhiều nhân vật cộm cán trên không gian mạng, thường được giới trẻ gọi là “hổ báo mạng”, đã lần lượt vướng vòng lao lý, dù trước đó, như dân gian đã đúc kết, “Tay ôm gói bạc kè kè – Nói lếu nói láo người nghe ầm ầm”.
"Đại gia đeo vàng" Phúc XO (giữa). Ảnh: Tuổi Trẻ
Trước đó trên không gian mạng, những “giang hồ” mạng này đã một thời ngang dọc ngỗ ngược theo kiểu coi trời bằng vung. Chẳng hạn, Ngô Bá Khá, thường gọi là Khá Bảnh, cái tên vang danh trong giới trẻ với 2 triệu người theo dõi, liên tục tung nhiều clip với nhiều hành động không chỉ khác người mà còn phản cảm, ngang ngược từ đốt xe đến xếp hàng chụp ảnh trên đường cao tốc. Bên cạnh đó là lời lẽ thô tục thiếu văn hóa và cả những hình ảnh của lối sống thác loạn. Khá bảnh cũng có một nhân thân bất hảo như chuyện bỏ học, sớm vi phạm pháp luật phải đưa vào trường giáo dưỡng.
Khá bất ngờ, Khá Bảnh được một bộ phận giới trẻ hâm mộ như một thần tượng, thậm chí mỗi lần xuất hiện thanh niên này được chào đón rầm rộ. Trên mạng xã hội đã lan truyền những hình ảnh Khá Bảnh xuất hiện ở một ngôi trường và rất nhiều học sinh cùng với đó là người dân từ nam phụ lão ấu xúm đến để được chụp ảnh cùng.
Đang lúc trên “đỉnh cao danh vọng”, Khá Bảnh bị bắt và khởi tố về tội tổ chức đánh bạc, bản thân thanh niên này thừa nhận mình sử dụng ma túy. Rồi tại cơ quan công an, thanh niên đầu đội trời chân đạp đất này đã khóc ngon lành cùng với lời nhận lỗi và chia sẻ nỗi nhớ mẹ...
Một thời gian ngắn sau đó một “ngôi sao” khác của mạng xã hội là Trần Ngọc Phúc, biệt danh Phúc XO, cũng vướng vòng lao lý. Thanh niên ngoài 30 tuổi này trước đó nổi đình nổi đám với danh hiệu “người đeo nhiều vàng nhất Việt Nam”. Thậm chí cùng với thành tích đeo nhiều vàng này, thanh niên này còn có những “truyền thuyết” được thêu dệt như câu chuyện đeo dây chuyền vàng quá nặng đến mức bị trẹo cổ và phải vào viện điều trị.
Vẫn giữ được “phong độ” trong ngày đầu bị tạm giữ hình sự, Phúc XO luôn có vẻ mặt tươi tỉnh bình tĩnh mỗi lần xuất hiện trước ống kính, thậm chí trong chuyến “về thăm nhà” bất đắc dĩ khi đi cùng cơ quan chức năng để khám nhà, Phúc XO vẫn tranh thủ làm điệu… cầm lược chải đầu.
Tuy nhiên bất chấp sự lạc quan ấy, Phúc XO vẫn không thể tránh khỏi bị khởi tố, tạm giam về hành vi tổ chức sử dụng ma túy. Và tại cơ quan công an, Phúc XO đưa ra thông tin cũng gây sốc không kém những clip trước đó của anh ta: toàn bộ số vàng anh ta đeo trên người thực chất chỉ là vàng giả, bên cạnh đó dàn siêu xe cũng chỉ là đồ đi thuê. Anh ta tạo dựng hình ảnh một đại gia ngập trong vàng chỉ để thu hút sự chú ý và quảng cáo cho quán karaoke của mình.
Những giang hồ mạng như Khá Bảnh, Phúc XO có lẽ cũng chỉ mang giá trị giải trí nhiều hơn, tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là tại sao những nhân vật này lại nhận được sự thích thú thậm chí là ngưỡng mộ của một bộ phận giới trẻ. Liệu có thể giải thích chỉ đơn giản là những đối tượng này thường khoe khoang sự giàu có trên mạng xã hội khi Khá Bảnh luôn tung hình ảnh đếm số tiền thu nhập hàng tháng lên đến vài trăm triệu và Phúc XO toàn thân óng ánh những vàng? Phải chăng đó vẫn là tâm lý mà người xưa đã đúc kết: “Tay ôm gói bạc kè kè – Nói lếu nói láo người nghe ầm ầm”.
Và trong làn sóng hâm mộ của nhiều người mà trong đó phần lớn là giới trẻ, bản thân những giang hồ mạng này cũng tự đầu độc chính mình bởi ảo tưởng bản thân và trượt dài vào những hành vi vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, nhiều vụ việc, vấn đề xã hội bức xúc, nổi cộm đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã hết sức lưu ý các cơ quan chức năng, cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối. Phải tập trung nỗ lực vượt bậc để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đồng thời phải giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Thậm chí, nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì tới một lúc nào đó kinh tế cũng không phát triển được nữa.
Thực tế, những hiện tượng như Khá Bảnh hay Phúc XO tuy “đình đám” nhưng cũng vẫn chỉ là thiểu số và chắc chắn dòng chủ lưu của đời sống xã hội vẫn là những giá trị thật, những con người sống, làm việc theo pháp luật, theo những quy ước đạo đức chung. Ngay cả khi chưa bị các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm, thì sớm hay muộn, những hành vi ồn ào nhất thời nhưng lệch chuẩn cũng sẽ bị đào thải khỏi đời sống lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên, rất cần những tiếng nói cảnh tỉnh không để những "ngụy giá trị" này lan rộng và từ đó, dẫn tới những ảnh hưởng nguy hại hơn, đáng báo động hơn.
Công bằng mà nói, ảo tưởng về bản thân hay thậm chí sống khác người cũng là quyền của mỗi cá nhân và suy cho cùng, nhu cầu khẳng định mình cũng là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, có lẽ mỗi người phải luôn tự nhắc mình cần tỉnh táo để phân định phải trái đúng sai, đánh giá chính xác để không bị cuốn theo những giá trị ảo, thậm chí là “ngụy giá trị”, xác định giới hạn được phép để tránh những hành vi vi phạm pháp luật. Quan trọng hơn cả, những người lớn cần thực sự là tấm gương trong cách nhìn nhận, cách sống để góp phần giúp giới trẻ định hướng trong một thế giới ngày càng phẳng hơn và cũng khó lường hơn.
Theo Quang Lê/chinhphu.vn