Phát triển kinh tế và gia tăng sự ảnh hưởng môi trường là hai mặt của một vấn đề luôn song hành với nhau. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa phát triển nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường.
Việt Nam là một nước nông nghiệp với 75% số dân và nguồn lực lao động xã hội đang sinh sống và làm việc ở khu vực nông thôn, đây cũng là lực lượng sản xuất chính trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành thì vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn ngày càng gia tăng. Kết quả điều tra cho thấy, vấn đề môi trường bức xúc nhất trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay là ô nhiễm ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, các làng nghề, vùng sản xuất thâm canh do tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn lan và khu vực nông thôn do chất thải từ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, ngành NN&PTNT đã tăng cường triển khai nhiều hoạt động BVMT trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhằm kiểm soát và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Ngành đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, dự báo viên bảo vệ thực vật (BVTV) ở cấp xã về sử dụng thuốc BVTV hợp lý, quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa và rau màu. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép, xây dựng các mô hình trình diễn về sử dụng thuốc BVTV cho người dân tham khảo rút kinh nghiệm, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Một trong những chương trình nổi bật phải kể đến đó là mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGaP. Thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, những năm qua ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ các địa phương trong tỉnh xây dựng vùng sản xuất rau, quả theo hướng VietGap.
Vào tháng 3 năm 2017, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Tam Dương, Đảng ủy, UBND xã An Hòa thực hiện mô hình điểm sản xuất và xây dựng thương hiệu dưa chuột an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5,5 ha và tham gia sản xuất của 80 hộ dân. Khi tham gia mô hình các hộ sản xuất đều phải sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nghiêm ngặt theo quy trình. Đồng thời bà con sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật để đảm bảo sản xuất ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Tại vùng trồng dưa đã xây dựng các bể chứa tập kết bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên các cánh đồng, tuyên truyền, vận động bà con nông dân thu gom các loại chất thải, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng bỏ vào các bể chứa để xử lý an toàn theo quy định; xây dựng quy chế thu gom, vận chuyển vỏ bao bì thuốc BVTV qua sử dụng về nơi tập kết. Từ đó, nhận thức của cộng đồng và người sản xuất trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe lao động được nâng cao.
Hiện nay trên địa bàn huyện Tam Đảo có khoảng trên 130 ha rau su su, Được trồng tập trung ở thị trấn Tam Đảo và xã Hồ Sơn. Trong đó diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP là gần 100 ha. Với diện tích 58 ha trồng rau su su theo tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã (HTX) rau Thanh Hà hàng năm đã cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn rau su su an toàn cho thị trường trong và ngoài nước.
Theo ông Nhâm Đức Cải, Giám đốc HTX rau an toàn Thanh Hà: “Khi tham gia vào trồng rau su su theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân sẽ được hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh và thuốc BVTV sinh học theo chủ trương của tỉnh, HTX tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Hiện, HTX đã đưa được sản phẩm rau su su vào hệ thống Siêu thị BigC, CoopMart, một số cửa hàng trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Công ty TNHH Nông sản Hợp Thành đưa rau su su xuất sang Trung Quốc”. Mô hình sản xuất rau su su theo tiêu chuẩn VietGAP ở Hồ Sơn không chỉ giúp các hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Một nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đó là sau các vụ thu hoạch lúa, bà con nông dân thường có thói quen tập trung rơm rạ ngay tại đồng ruộng, hoặc trên đường rồi tiến hành đốt. Việc làm này vừa gây lãng phí một nguồn tài nguyên có thể làm phân bón vừa gây ảnh hưởng đến môi trường từ khói và bụi. Để hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường, ngànhnông nghiệp đã triển khai một số mô hình: sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ, phụ phẩm rau màu ngay tại ruộng để tái tạo mùn, chất hữu cơ cho đất.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với điều kiện của từng xã, thị trấn để phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Hiện nay, hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi đều nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhiều trang trại đã mạnh dạn vay vốn, tìm hiểu ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất từ thiết kế chuồng trại đến chăm sóc, chế độ dinh dưỡng... Nhờ môi trường chăn nuôi sạch, chế độ dinh dưỡng đảm bảo và thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, quản lý dịch bệnh nên hiệu quả sản xuất từ các trang trại cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Đối với các cơ sở chăn nuôi không thuộc đối tượng phải lập thủ tục môi trường (diện tích dưới 50m2) đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể bi-ô-ga, ao sinh học, cam kết không xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Có thể nói, những năm qua công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Mức độ gia tăng ô nhiễm được kiềm chế, giảm đáng kể, suy thoái môi trường đã dần được hạn chế. Thời gian tới các xã, thị trấn tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng, đẩy mạnh xử lý phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tái sử dụng; đẩy mạnh các biện pháp xử lý ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững./.
Lê Dũng