Cập nhật: 03/05/2019 08:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ đầu mùa đến nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt, dịch sởi năm nay không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà ngay cả người trưởng thành vẫn bị mắc bệnh sởi, đặc biệt ở phụ nữ mang thai gây ra nhiều hệ luỵ xấu. Vậy, cần làm gì để ngăn chặn bệnh?

Nguyên nhân dịch sởi gia tăng

Nguyên nhân dịch sởi lan rộng là do số người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đủ số mũi tiêm hoặc không tiêm nhắc lại. Với người lớn, trong đó có phụ nữ đang mang thai có thể chưa mắc sởi bao giờ hoặc trước đây chưa bao giờ được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đủ liều. Đặc biệt, hiện nay, Hà Nội (và một số tỉnh lân cận), TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương có số người mắc sởi cao nhất. Điểm chung ở những địa phương này chính là khu vực tập trung nhiều dân cư từ các tỉnh về (sinh viên, công nhân, người buôn bán...) hoặc ở các khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, nhất là sau Tết, sự giao lưu rộng rãi khắp các vùng, miền càng làm cho virut sởi dễ khuếch tán rộng rãi...Theo thống kê, dịch sởi ở TP.HCM năm 2018, trong số 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, ngoại trừ những trẻ dưới 9 tháng tuổi, 95% bệnh nhân sởi còn lại đều không được tiêm vắc-xin sởi. Đây chính là lỗ hổng tiêm chủng khiến bệnh sởi gia tăng nhanh. Bởi vì bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, rất dễ lây lan. Đặc điểm nổi bật nhất của bệnh sởi là lây lan rất nhanh, có thể gây thành dịch. Có khoảng 90% số trẻ (chưa có miễn dịch hoặc miễn dịch yếu) hoặc người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, khi tiếp xúc với người mắc sởi sẽ bị lây bệnh.

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi bị mắc sởi. Ảnh: T. Phương

Triệu chứng của bệnh sởi

Có 2 thể bệnh: thể lành tính và thể ác tính. Thể lành tính có thời kỳ ủ bệnh từ 10 - 12 ngày và không có biểu hiện gì. Thời kỳ khởi phát biểu hiện sốt (đôi khi sốt cao) và viêm long (ho, chảy mũi nước, chảy nước mắt, nhiều dử mắt, mắt đỏ, tiêu chảy), có thể có đau cơ, khớp. Bệnh dần dần tăng lên, sốt cao hơn, ho nhiều hơn và có thể có tiếng thở rít (viêm thanh quản). Tiếp đến là xuất hiện một số nốt có màu trắng phía trong niêm mạc má (đối diện với răng hàm số I), được gọi là dấu Koplik, đây là dấu hiệu quý nhất để bác sĩ chẩn đoán sớm bệnh sởi. Tuy vậy, dấu Koplik chỉ tồn tại khoảng từ 24 -  48 giờ thì biến mất.

Tiếp đến là mọc ban sởi. Ở giai đoạn này, thường các triệu chứng tăng nặng lên, trẻ có thể sốt tới 39 - 40 độ C, thậm chí co giật, mê sảng và ho liên tục. Phần nhiều ban mọc đầu tiên ở sau tai, chân tóc rồi lan ra mặt, cổ, lưng, bụng và chân tay. Ban mọc tuần tự và các lứa tuổi của ban giống nhau trên cùng một diện tích da. Sau 3 - 4 ngày thì ban mọc khắp toàn thân. Ban sởi hình tròn hoặc bầu dục, có màu đỏ hồng nhạt. Các ban có thể kết với nhau thành từng mảng. Khi sởi mọc hết, trẻ hết sốt và sởi bắt đầu bay. Ban sởi bay cũng theo trình tự như khi mọc, để lại các vết thâm, sau khoảng 1 tuần thì hết các vết thâm, tuy vậy, trẻ vẫn còn mệt, kém ăn hoặc còn sổ mũi, nhiều dử mắt. Sau khoảng vài tuần từ khi có dấu hiệu bệnh sởi đầu tiên là bệnh khỏi nếu không có biến chứng gì.

Biến chứng do bệnh sởi

Bệnh sởi tuy lành tính ít gây tử vong (thể lành tính) nhưng nguy hiểm nhất là gây biến chứng (thể ác tính) như viêm tai giữa, viêm phế quản - phổi, cam tẩu mã, viêm thanh quản, viêm cơ tim, viêm miệng hoại tử, viêm loét giác mạc (có thể dẫn đến mù loà), đặc biệt là viêm phổi, nếu không xử trí kịp thời có thể tử vong hoặc viêm não, nhất là ở trẻ suy dinh dưỡng. Nguy hiểm nhất là khi trẻ có biến chứng của bệnh sởi, nhiều bậc cha mẹ không đưa con đi bệnh viện mà tự chữa trị tại gia đình, nghe theo quan niệm dân gian khiến trẻ đến viện quá muộn đã gây biến chứng nguy hiểm. Hay sai lầm phổ biến nữa là nhiều người thấy trẻ bị sởi thì không tắm cho trẻ, làm trẻ bị bội nhiễm viêm da, viêm kết mạc. Đối với phụ nữ đang mang thai bị sởi có thể gây sẩy thai hoặc đẻ non, đẻ thiếu tháng...

Nguyên tắc phòng bệnh

Phòng bệnh sởi tốt nhất là tiêm vắc-xin sởi cho trẻ đúng theo quy định của ngành y tế. Trong đợt dịch này, cần khẩn trương tiêm phòng đợt vét ngay cả những trẻ chưa tiêm ở vùng đang có dịch sởi hoặc các trẻ chưa được tiêm nhắc lại theo lịch hẹn của trạm y tế xã, phường.

Với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nếu có dự định sinh con cần được tiêm phòng vắc-xin sởi trước khi mang bầu (tốt nhất là tiêm vắc-xin sởi - Rubella để phòng cả 2 bệnh).

Ở vùng đang có bệnh sởi hoặc dịch sởi, để phòng bệnh lây lan, cần cách ly trẻ tại phòng riêng (ngay khi trẻ mới sốt và viêm long) và đảm bảo thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với những trẻ lành khác (để trẻ ở nhà không cho đến lớp, không đến nơi có nhiều trẻ vui chơi). Cần vệ sinh tay, chân trẻ hàng ngày, nhất là các địa phương đang có dịch sởi. Các nhà trẻ, lớp mẫu giáo ngoài việc vệ sinh cá nhân cho trẻ (tắm, rửa) cần vệ sinh và sát trùng bằng dung dịch cloramin B các dụng cụ đồ chơi của trẻ.

BS. Việt Bắc

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm