Tiếp xúc và đối thoại với nhân dân là một trong những giải pháp trọng tâm, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện Vĩnh Tường. Thực tế cho thấy, thông qua tiếp xúc và đối thoại với nhân dân, huyện Vĩnh Tường đã thực hiện thành công công tác dồn thửa, đổi ruộng, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tại một buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của đồng chí Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường với cán bộ, đảng viên xã Phú Đa về vấn đề dồn thửa đổi ruộng của địa phượng. Tại đây, tất cả những ý kiến, băn khoăn, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phúc Đa được lãnh đạo huyện Vĩnh Tường lắng nghe, giải trình và cùng tham gia thảo luận để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai công tác dồn thửa, đổi ruộng ở xã Phú Đa. Phú Đa đã cơ bản hoàn thành công tác này, những kiến nghị, nguyện vọng của người dân được giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý.
Năm 2017 hai xã Ngũ Kiên và Cao Đại được tỉnh chọn làm điểm triển khai công tác dồn thửa, đổi ruộng. Sau một năm nỗ lực phấn đấu, tổng diện tích đất nông nghiệp của hai xã thực hiện trên 386 ha, đạt 100% diện tích đất nông nghiệp. Sau dồn thửa, đổi ruộng, hai xã còn 4.140 thửa, giảm 11.893 thửa so với trước khi dồn thửa, đổi ruộng. Bình quân chỉ còn 1,7 thửa/hộ. Có được kết quả trên, Vĩnh Tường đã triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, nhà nước về việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; đặc biệt năm 2016 Huyện ủy Vĩnh Tường ban hành hướng dẫn số 03 về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, quy định rõ chủ thể đối tượng, nội dung phương pháp và quy trình tổ chức đối thoại để đảm bảo các cuộc đối thoại đạt kết quả cao nhất. Thực hiện hướng dẫn số 03/2016 của Huyện ủy Vĩnh Tường, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn đã đưa việc đối thoại vào nề nếp, qua đó có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Trong công tác dồn thửa đổi ruộng, xã Ngũ Kiên đã tổ chức 203 cuộc họp bàn, tiếp xúc đối thoại với nhân dân và xã Cao Đại tổ chức 67 cuộc.
Tiếp theo thành công trong công tác dồn thửa, đổi ruộng ở hai xã Ngũ Kiên và Cao Đại, huyện Vĩnh Tường có thêm ba xã Vũ Di, Tuân Chính và Phú Thịnh đăng ký thực hiện dồn thửa, đổi ruộng trong năm 2017. Đối với xã Tuân Chính, trước đây bình quân mỗi hộ trong xã phải canh tác trung bình từ 8 đến 10 thửa ruộng ở các xứ đồng khác nhau. Phần lớn ruộng đất không bằng phẳng lại có nhiều vùng chiêm trũng, manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn cho người dân khi đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Thực hiện dồn thửa, đổi ruộng, xã chủ trương quy hoạch lại trên 274 ha/tổng số 319ha diện tích đất nông nghiệp, bố trí lại các tuyến kênh mương, đường giao thông phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đảm bảo các hộ đều có ruộng tiếp giáp với đường và mương, tạo thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất và giúp việc đi lại, canh tác của các hộ dân dễ dàng hơn. Khi mới bắt tay vào triển khai, xã Tuân Chính gặp không íc khó khăn, đặc biệt công tác di chuyển mồ mả của các hộ gia đình đến địa điểm mới; song với sự và cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trực tiếp chia sẻ, giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân, công tác dồn thửa đổi ruộng ở xã Tuân Chính đạt nhiều kết quả nổi bật.
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, chính quyền xã Tuân Chính, tiểu ban dồn thửa, đổi ruộng thôn Trung đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dồn thửa, đổi ruộng, những lợi ích to lớn mà các hộ dân sẽ được hưởng thụ sau dồn thửa, đổi ruộng. Toàn thôn có tổng diện tích 56 ha diện tích đất nông nghiệp của 235 hộ trong thôn. Trước đây, mỗi hộ gia đình trong thôn có từ 8 đến 12 thửa ruộng, sau dồn thửa đổi ruộng giảm còn từ 1 đến 2 thửa/hộ.
Sau hơn hai năm triển khai chủ trương dồn thửa, đổi ruộng, huyện Vĩnh Tường đã thực hiện với tổng diện tích trên 1.300ha đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, với sự đồng thuận của nhân dân, huyện giải phóng mặt bằng được trên 200ha diện tích phục vụ cho phát triển các khu, cụm công nghiệp, xây dựng chợ đầu mối và các dự án công trình phúc lợi dân sinh. Cụm công nghiệp Đồng Sóc, huyện Vĩnh có tổng diện tích gần 75ha, liên quan đến công tác giả phóng mặt bằng của ba xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường trong đó có thị trấn Tứ Trưng. Với sự đồng thuận của đa số nhân dân trong thị trấn, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản được hoàn thiện, đa số các hộ dân có đất, tài sản, cây cối nằm trong vùng dự án bị thu hồi đất đều đồng thuận với chủ trương của Nhà nước. Gia đình ông Nguyễn Tiến Hồng, Khu 6, thị trấn Tứ Trung có 2,2 sào đất nông nghiệp nằm trong vùng dự án bị thu hồi, ông cho biết: thông qua những buổi họp khu dân cư và đối thoại giữa nhân dân với lãnh đạo huyện, bản thân ông cũng như nhiều hộ dân hiểu được ý nghĩa của dự án và rất đồng tình ủng hộ dự án triển khai xây dựng trên địa bàn.
Nhằm hạn chế những vướng mắc, khiếu kiện của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, thị trấn Tứ Trưng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục về chính sách, pháp luật đất đai, công tác bồi thường GPMB cho người dân nằm trong vùng dự án. Thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, qua đó lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Ðối thoại là cầu nối rất quan trọng, giúp cho việc lãnh đạo của cấp ủy và điều hành của UBND các cấp sát đời sống, gần với dân, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ KT-XH ở địa phương. Huyện Vĩnh Tường đã và đang thực hiện tốt công tác này, qua đó làm chuyển biến thực sự về tư duy và tác phong công tác, lãnh đạo của đội ngũ cán bộ các cấp trên địa bàn, mang lại niềm tin và sự bình yên cho nhân dân.
Lê Minh