Cập nhật: 09/05/2019 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, tình trạng lợn nái sinh ít con, số lứa trên năm không đạt 2,2-2,4 lứa/năm, tỉ lệ sống đến cai sữa không cao, đó là tình hình chung của các hộ chăn nuôi lợn nái hiện nay. Để giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn trên, Tiến sỹ Vũ Hoàng Lân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ hướng dẫn một số biện pháp nâng cao số lượng lợn con sơ sinh. 

I. Biện pháp nâng cao số lượng lợn con sơ sinh

1. Nâng cao số lợn đẻ ở lứa đầu

Chúng ta đều biết rằng lợn lứa đầu số lượng con đẻ ra đều ít. Thế nhưng, nái lứa đầu thường chiếm 20% tổng số nái. Nếu số lượng lợn con bình quân của nái lứa đầu dưới 10 con thì sẽ ảnh hưởng tới năng suất toàn trại. Đa số các trại có năng suất cao, số lợn con bình quân của nái lứa đầu đều đạt trên 11 con.

-  Lợn hậu bị phải có bảng tên từng cá thể, quản lí theo ngày tuổi. Kiểm tra lên giống kỹ để nắm rõ ngày dự kiến phối.

- Hai tuần trước khi phối cho ăn cám nái nuôi con 2,5~3 kg/ngày.

-  Một tuần trước khi phối, mỗi ngày cho kích thích bằng mùi lợn đực (tăng rụng trứng, lên giống rõ ràng).

-  Nhập lợn hậu bị có khả năng sinh sản cao.

- Giảm tối đa sự cố khi nái hậu bị đẻ, cần phải quản lý đặc biệt.

2. Quản lý phối giống

Quản lý phối ảnh hưởng tới số con đẻ ra và tỷ lệ đẻ. Đặc biệt thời điểm phối ảnh hưởng rất lớn tới số con đẻ ra. Rất khó đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về thời điểm phối do có sự khác nhau ở từng cá thể, từng lứa đẻ, ngày lên giống lại sau khi cai sữa. Nhưng chúng ta cần phải đặt ra một tiêu chuẩn cụ thể.

- Kiểm tra lên giống 1 ngày 2 lần.

- Sau khi kiểm tra lên giống cần xác minh lợn có chịu đực không.

- Sau khi kiểm tra nái chịu đực phải quyết định thời điểm phối lần 1. Lúc này ta dựa vào thời điểm lên giống lại để quyết định. Nếu sau cai sữa nái lên giống lại trong vòng 5 ngày thì sau khi nái chịu đực 12 tiếng ta bắt đầu phối lần 1. Nếu nái lên giống sau 6 ngày thì khi bắt đầu chịu đực ta phối liền. Phối vào thời điểm sáng sớm sẽ có tỷ lệ đậu thai cao hơn.

- Sau khi phối lần 1 xong, 12 tiếng sau ta phối lần thứ 2. Lợn hậu bị hoặc lợn nghi ngờ chưa đậu nhất định phải dùng đực kiểm tra để xem có phải phối lần thứ 3 không.

- Từ thời điểm bắt đầu chịu đực đến 12 tiếng sau cần kiểm tra trạng thái lên giống. Đánh dấu khi phối và kết thúc lên giống. Sau khi phối xong, cần ghi lên bảng tên. 

3. Khoảng cách từ đẻ tới phối

Ngày tuổi cai sữa: nếu cai sữa sớm hơn một ngày so với 28 ngày thì do số lứa đẻ của nái trong năm sẽ tăng nên số lợn con đẻ ra tăng 0,05 con, nhưng năng suất lứa sau lại giảm 0,1 con. Việc quyết định ngày cai sữa không chỉ phụ thuộc vào năng suất mà còn phụ thuộc vào tỷ lệ thiết bị chuồng trại và trạng thái nái.

Khoảng cách từ khi cai sữa tới phối: Đó chính là thời gian nái lên giống sau cai sữa. Khoảng cách được coi là bình thường là vào khoảng 5 ngày tính từ ngày sau cai sữa. Lợn có thời gian lên giống sau 5 ngày sẽ có số lợn con đẻ ra cao. Nếu sang ngày 6 hoặc 7 thì năng suất sẽ thấp hơn. Chính vì vậy trong thời gian nái nuôi con việc quản lí nái và tăng cường dưỡng chất sau cai sữa là rất quan trọng để giúp nái lên giống trong vòng 5 ngày sau cai sữa.

4. Quản lý dinh dưỡng nái

Trại tuân theo hướng dẫn các nhà cung cấp thức ăn cho nái mang thai và nái chờ phối. Cho ăn sau khi phối tới khi sắp đẻ, rồi đổi loại  khác. Lợn hậu bị có thể ăn thức ăn lợn giống (ta hay gọi là thức ăn kích dục) từ lúc lợn đạt 100 kg.

Sau khi cai sữa đến trước khi phối phải cung cấp thức ăn đầy đủ. Một ngày sau khi phối, lượng thức ăn cho nái ăn giảm xuống còn 1,8 kg trong vòng 84 ngày đầu. dựa vào thể trạng của lợn mà điều chỉnh lượng thức ăn cho thích hợp. Nếu lợn có thể trạng bình thường (không liên quan tuổi lợn) điều chỉnh tăng từ 2,0 kg trở lên tùy thể trạng, từ ngày thứ 85 đến trước đẻ 1 tuần cho ăn 2,8- 3,0 kg/ngày, trước đẻ 1 tuần giảm lượng thức ăn như lúc lợn mới phối giống.

Thường xuyên kiểm tra lượng dinh dưỡng và độc tố nấm mốc thức ăn. Luôn luôn cung cấp thức ăn tốt cho nái, bảo quản thức ăn nơi khô mát… thức ăn phải còn hạn sử dụng.

Trong quá trình nái mang thai phải từ từ điều chỉnh lượng cám để duy trì thể trạng phù hợp cho lợn. Thông thường, từ một đến hai tuần ta điều chỉnh lượng cám cho từng cá thể nái mang thai. Nếu đến kì cuối mang thai nái quá gầy và ta tăng lượng cám lên quá nhiều thì sau khi đẻ nái sẽ không ăn được nhiều cám. Tổng số cám nái ăn ở trại đẻ chia cho số ngày nuôi con bình quân phải đạt trên 6 kg thì năng suất lứa sau mới gia tăng.

5. Tối đa hóa lượng trứng rụng

Để tăng số lợn con đẻ ra cần tăng lượng trứng trụng ngay từ lần thứ 1. Những nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn nhất đến lượng trứng rụng là dinh dưỡng cho nái. Đặc biệt là tăng cường dinh dưỡng trước khi lợn lên giống. 

Việc tiếp xúc với lợn đực đã thành thục vào thời kì này cũng rất quan trọng, nhưng nếu lợn đực luôn ở bên cạnh nái sẽ không tốt cho việc rụng trứng và lên giống.Quản lí thời kì trứng làm tổ Cho dù trứng rụng nhiều, thời điểm phối chính xác nhưng trong thời gian khoảng 4 tuần đầu nếu quản lý nái không tốt thì số lợn con đẻ ra sẽ không nhiều. Lý do là trong thời gian này trứng thụ thai đi vào bên trong tử cung, chỉ có 70~80% số trứng thụ tinh làm tổ được. Tuy nhiên, nếu trong thời gian này nái bị stress, di chuyển nhiều do nuôi nhốt chung hoặc bị kích động thì tỷ lệ trứng làm tổ thành công sẽ bị giảm. Kết quả là số lượng con đẻ ra ít đi.Chính vì vậy cần hạn chế di chuyển nái 4 tuần đầu sau khi phối.

6. Quản lý lợn nái

Sau khi phối từ 10 đến 35 ngày tuyệt đối không được chuyển lợn. Bởi vì đây là thời kỳ hình thành thai nhi, ảnh hưởng đến việc đẻ nhiều, hay ít con.

Thiết kế chuồng đẻ hợp lý để tránh hiện tượng lợn con bị mẹ đè chết.

7. Sử dụng lợn đực giống

Sử dụng đực giống tốt để đàn lợn con có phẩm chất tốt về sau như tỷ lệ nạc, tiêu tốn thức ăn, ít bệnh tật… nên sử dụng các giống như Yorshire, Landrac, Duroc…(con của những con đực khỏe mạnh có tỉ lệ chết trước cai sữa không quá 2%).

II.Vệ sinh, ánh sang và An toàn dịch bệnh

1. Vệ sinh và ánh sáng

Phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh trong chuồng trại, phải vệ sinh định kỳ. Không có thức ăn rơi vãi ở khu vực máng. Cần phải vệ sinh cào phân mỗi ngày để tránh nhiễm khuẩn phần âm hộ khi nái nằm xuống.

Đèn huỳnh quang và các trang thiết bị không để cho bám bụi vì lợn rất dễ không lên giống. Chiếu sáng mỗi ngày 18 giờ từ 4 giờ sáng tới 10 giờ đêm để mỗi khi nái thức dậy có thể lên giống dễ dàng.

2. An toàn dịch bệnh

Thiết kế cơ sở vật chất, chuồng trại phù hợp (chuồng kín, có hàng rào, nhà sát trùng,…).

Hạn chế tối đa người và khách tham quan ra vào trại.

Thực hiện sát trùng, tắm, thay quần áo và bảo hộ lao động trước khi vào khu vực chăn nuôi.

Kiểm tra phương tiện vận chuyển ra vào trại.

Kiểm soát chất lượng nước cho lợn uống.

Thực hiện biện pháp xử lý phân, chất thải, xác chết.

Lê Dũng

Tệp đính kèm