Tổng thống Iran tuyên bố thu hẹp thực hiện cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Các nước như Anh, Đức, Pháp rất lo ngại về điều này.
Đúng như truyền thông Iran tiết lộ từ vài ngày nay, Bộ Ngoại giao Iran hôm nay (8/5) đã chính thức thông báo việc nước này quyết định đình chỉ việc thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, từng ký kết với 6 cường quốc trên thế giới.
Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: Japan Times.
Dù khẳng định vẫn tham gia thỏa thuận, Iran cảnh báo sẽ hành động nhiều hơn nữa, nếu các đối tác của thỏa thuận không bảo vệ nước này khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Thỏa thuận từng được coi là bước ngoặt “lịch sử” đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Ngay lập tức, bước đi mới nhất của Iran đã nhận được những phản ứng từ dư luận quốc tế.
Tròn một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Bộ Ngoại giao Iran hôm 8/5 cũng đã thông báo với Đại sứ các nước Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga về việc nước này đình chỉ một số cam kết trong thỏa thuận.
Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, sau 60 ngày nữa, Iran sẽ “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ trở lại làm giàu urani ở mức độ cao. Đây chính là thời hạn chót để các nước còn lại của thỏa thuận hạt nhân phải thực hiện các cam kết liên quan của mình đến các lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng của Iran. Trong trường hợp thỏa thuận sụp đổ, thì đây sẽ là mối nguy hiểm không chỉ của Iran mà là toàn cầu.
Ông Rouhani nói: “Theo thỏa thuận, chúng tôi đã cam kết chỉ làm giàu urani ở mức độ 3,67. Chúng tôi sẽ ngừng tuân thủ điều này và sẽ không còn mức độ hạn chế làm giàu nữa. Thứ 2, trong thỏa thuận, lò phản ứng nước nặng Arak sẽ được xây dựng lại với sự hỗ trợ của các bên đã ký kết thỏa thuận hạt nhân và quá trình này đến này vẫn chưa thể đi đến giai đoạn cuối.
Sau 60 ngày nữa, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định của mình, là sẽ làm gì với lò phản ứng Arak. Ý định của chúng tôi rất rõ ràng. Người dân của chúng tôi hiểu rõ thỏa thuận hạt nhân chưa sụp đổ. Nếu các bên khác của thỏa thuận không đáp ứng được nghĩa vụ của họ, thì chúng tôi cũng sẽ giảm nghĩa vụ của mình. Hôm nay, chúng tôi xin thông báo điều này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không rút khỏi thỏa thuận”.
Trong quá khứ, quốc tế luôn lo ngại Iran sẽ sử dụng lò phản ứng Arak với mục đích chế tạo bom nguyên tử nếu không được giám sát.
Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng viết: “Sau 1 năm kiên nhẫn, Iran quyết định dừng các biện pháp mà Mỹ đã không thể tiếp tục”. Theo nhà ngoại giao Iran, các quốc gia còn lại của thỏa thuận đang có 1 “cánh cửa” để cứu vãn thỏa thuận này.
Phản ứng ngay sau quyết định mới nhất của Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly bày tỏ mong muốn có thể giữ vững được thỏa thuận hạt nhân, đồng thời cảnh báo Iran sẽ đối mặt với nhiều lệnh trừng phạtf hơn nếu không tôn trọng dù chỉ là “một phần” của thỏa thuận. Vị quan chức Pháp nhấn mạnh, Anh, Pháp và Đức đang làm tất cả với hi vọng có thể duy trì thỏa thuận này.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải được thực hiện 1 cách đầy đủ và tất cả các bên phải có trách nhiệm đảm bảo điều này. Trung Quốc kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế, đẩy mạnh đối thoại và tránh làm leo thang căng thẳng. Ông Cảnh Sảng cho biết thêm, nước này “cực lực phản đối” các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran.
Còn Hạ viện Nga thì không nhắc tới cảnh báo làm giàu urani của Iran, song đã hoan nghênh việc Iran sẵn sàng đàm phán với châu Âu trong thời gian 60 ngày. Cơ quan này cho rằng Mỹ cũng nên thể hiện sự cởi mở về đối thoại về vấn đề hạt nhân của Iran.
Đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ngay khi nghe được thông báo về việc Iran có thể sẽ quay trở lại thực hiện các chương trình hạt nhân của mình, ông đã tuyên bố sẽ không để Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo Đình Nam/VOV.VN