Khi mà cuộc xung đột Palestine - Israel chưa có hồi kết, hay các cuộc xung đột ở Syria, Yemen, Lybia… vẫn diễn ra khốc liệt, thì những ngày qua vấn đề Iran lại trở nên nóng bỏng.
Vấn đề hạt nhân Iran lại 'hâm nóng' chính trường
Nguyên nhân cốt lõi Iran chính là nhân tố gây nguy hiểm cho các lợi ích của Mỹ ở khu vực địa chiến lược Trung Đông. Nhưng thời điểm hiện tại là vấn đề hạt nhân của Iran, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã ký với Tehran năm 2015, tháng 11 năm ngoái, Washington đã tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran và tiếp đó là hàng loạt các biện pháp khác nhằm vào nhiều lĩnh vực khác của Tehran. Đặc biệt, Mỹ đã đưa Lực lượng Cách mạng vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
Đây được xem là bước đi vô cùng nguy hiểm mà Mỹ đẩy Iran vào tình thế không có đường lùi và buộc phải có các hành động chống trả.
Trong số các động thái mà Iran công bố trong những ngày qua, nổi lên có hai vấn đề trọng yếu đó là: Ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thông báo sau 60 ngày nếu các nước còn lại trong thỏa thuân JCPOA không có các hành động cụ thể để chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran, Iran sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận đó, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani; đồng thời Hội đồng An ninh Quốc gia Iran đã đưa lực lượng quân đội Mỹ và lực lượng Mỹ đang đóng tại 20 quốc gia ở Trung Đông, Trung và Nam Á vào danh sách các nhóm khủng bố của Iran.
Diễn biến cho thấy cả Iran lẫn Mỹ đều phải tính đến một tình huống là “xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào” khi mà một trong hai bên không kiềm chế được mình.
Những ngày qua, Mỹ đã nhanh chóng điều binh lực tới Trung Đông vừa để răn đe vừa để có thể hành động ngay lập tức nhằm vào Iran.
Ngày 10/5, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đang triển khai một tàu tấn công đổ bộ cùng một bệ phóng tên lửa Patriot tới Trung Đông, nhằm tăng cường sức mạnh cho Nhóm Tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và đội máy bay ném bom B-52 được cử tới vùng Vịnh trước đó trong bối cảnh có nhiều tin tình báo cho thấy Iran đang lên kế hoạch cho một vụ tấn công trong khu vực?!
Đây được xem là thông điệp rõ ràng gửi tới Iran, khẳng định bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào những lợi ích và đồng minh của Mỹ đều sẽ bị đáp trả.
Mặc dù vậy, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ông Bolton nêu rõ: "Mỹ không tìm kiếm một cuộc chiến tranh với chế độ tại Iran, nhưng chúng tôi chuẩn bị đầy đủ để đáp trả mọi cuộc tấn công của lực lượng ủy nhiệm, IRGC, hay các lực lượng Iran thông thường".
Trong khi đó, ngày 11/5, theo hãng thông tấn Iran IRNA, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kêu gọi đoàn kết giữa các phe phái chính trị tại nước này nhằm vượt qua các điều kiện khó khăn hiện nay do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tổng thống Rouhani nêu rõ dù không thể khẳng định điều kiện hiện nay là tốt hơn hay tệ hơn so với giai đoạn chiến tranh những năm 1980-1988, song khi đó, Iran vẫn chưa phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến ngân hàng, kinh doanh dầu mỏ, xuất nhập khẩu. Đối mặt với sức ép chưa từng có trong lịch sử cách mạng Hồi giáo Iran, Tổng thống Rouhani tin rằng người dân nước này có thể vượt qua những điều kiện khó khăn hiện nay nếu như đoàn kết.
Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra là liệu xung đột Iran - Mỹ có xảy ra hay không và đâu là điểm khởi đầu?
Phó Tư lệnh IRGC khẳng định Tehran kiên quyết không đối thoại với Mỹ, đồng thời cho rằng Washington sẽ "không dám" triển khai hành động quân sự nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Trong khi đó, Đại giáo chủ Yousef Tabatabai - Nejad cảnh báo hạm đội hải quân của Mỹ "trị giá hàng tỷ USD" có thể "bị phá hủy chỉ bằng một quả tên lửa" của Iran.
Eo biển Hormuz trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, vì đây là con đường huyết mạch vận chuyển 40% nhu cầu dầu thô trên thế giới. Nhiều dấu hiệu cho thấy hai bên chuẩn bị lực lượng: Một hàng không mẫu hạm Mỹ đi vào vùng Vịnh, trong khi Iran đe dọa sẽ phong tỏa eo biển này
Washington cũng đã từng cảnh báo, nếu eo biển Hormuz bị Iran phong tỏa thì Mỹ sẽ giải tỏa bằng vũ lực.
Trong khi đó, tại eo biển Hormuz, Iran đã giao cho IRGC trấn giữ với nhiều tàu chiến, tàu ngầm, tên lửa và các loại pháo khác trấn giữ.
Một diễn biến khác có liên quan gây lo ngại, ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết 4 tàu thương mại đã trở thành mục tiêu của các “hoạt động phá hoại" gần khu vực Fujairah của UAE, ngay bên ngoài eo biển Hormuz. Bộ Ngoại giao UAE nhấn mạnh việc nhằm vào các tàu thương mại để tấn công phá hoại và đe dọa mạng sống của thủy thủ trên tàu được xem là một diễn biến nguy hiểm.
Tuy nhiên, thông báo của UAE không nêu cụ thể tàu bị tấn công, chỉ cho biết những tàu này mang nhiều quốc tịch khác nhau.
Phản ứng về vụ việc trên, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã lên án các hành động "phá hoại" tàu thương mại gần vùng lãnh hải UAE, cho rằng hành động đó sẽ làm gia tăng căng thẳng và xung đột trong khu vực, hủy hoại lợi ích của người dân.
Vậy ai gây nên hành động đó? Hay đấy là một động thái của một bên nào đó chuẩn bị khơi mào cho một cuộc chiến mới ở “chảo lửa” Trung Đông?
Dư luận quốc tế đang hết sức lo ngại về những diễn biến nguy hiểm nói trên!
Theo Tuyết Minh/chinhphu.vn