Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón vô cơ có vai trò quan trọng, giúp nông nghiệp tăng sản lượng lương thực đảm bảo an ninh lương thực và góp phần đưa một số sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón vô cơ cũng đang để lại rất nhiều ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, đất đai bị thoái hóa, mất đi độ phì nhiêu và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản.
Thực tế tại những nước phát triển trên thế giới đã từng bước chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ, đây là một xu hướng phát triển của thế giới. Ở Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ đã bước đầu được quan tâm phát triển. Tính đến hết năm 2018 cả nước có 26 cơ sở trồng trọt hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố và 33 cơ sở trồng trọt theo hướng hữu cơ.
Trước mắt để khắc phục tối đa những nhược điểm của nông nghiệp vô cơ, những năm gần đây tại Vĩnh Phúc đã và đang chuyển sang sản xuất nông sản sạch và an toàn theo hướng VIETGAP. Sử dụng các chế phẩm làm tăng giá trị gia tăng của phân bón hóa học (mục đích chính là giảm lượng phân bón cần dùng), tăng cường bón thêm các loại phân khoáng hữu cơ để cải tạo đất, sử dụng các chế phẩm sinh học tạo tiền đề cho nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì phân bón hữu cơ là một khâu quan trọng giúp duy trì và tăng sản lượng. Sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng còn có tác dụng tạo mùn, điều hòa dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Liên tục nhiều năm, HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên, đã phối hợp với Công ty cổ phần phân bón Quế Lâm phương bắc đưa phân bón hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu đã phát huy được hiệu quả rất rõ rệt.
Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Vĩnh Phúc phát triển mạnh, Nhà máy Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm Biotech vừa được xây dựng trên diện tích hơn 40.000m2, có tổng công suất hoạt động 250.000 tấn/năm, với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động sẽ góp phần gia tăng sản xuất, và sử dụng phân bón hữu cơ, đáp ứng cho nhu cầu phát triển của một nền nông nghiệp sạch trong thời kỳ hội nhập kinh tế Quốc tế. Cùng với việc xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, tại tỉnh ta tổ chức phi chính phủ GRET phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và HTX Dịch vụ môi trường xã Tân Phong tổ chức khánh thành cơ sở nuôi trùn quế từ rác thải sinh hoạt. Cơ sở nuôi trùn quế kết hợp với sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt của HTX Dịch vụ môi trường Tân Phong có diện tích 300 m2. Theo thiết kế, cơ sở sản xuất được khoảng 50 tấn phân hữu cơ mỗi năm. Đây là HTX môi trường thứ hai trên địa bàn huyện Bình Xuyên được hỗ trợ trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt.
Để từng bước đưa sản xuất nông nghiệp tại tỉnh ta chuyển dần sang nông nghiệp hữu cơ, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm hỗ trợ về các cơ chế, chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó cần sự vào cuộc tích cực của nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân để nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh đi vào cuộc sống./.
Lê Dũng