Cập nhật: 17/05/2019 15:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trung Quốc gặp bất lợi hơn khi đánh thuế ngược kiểu “ăn miếng trả miếng” với Mỹ nhưng nước này vẫn còn những “vũ khí” khác để đối phó với Washington.

Quyết định tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Trump đã khiến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang căng thẳng. Trước "đòn" mới của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố đáp trả khi nước này cũng nâng mức thuế với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời cho biết quyết định này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/6.

Trung Quốc có thể dùng những “vũ khí” gì ngoài thuế quan để đáp trả Mỹ? Ảnh: Reuters

Nhà Trắng sau đó đưa ra thông báo Mỹ sẽ bắt đầu thực hiện các đe dọa trước đó của Tổng thống Trump về việc áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ năm 2018.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc có đáp trả kiểu “ăn miếng trả miếng” nếu chính quyền Tổng thống Trump thực hiện đe dọa trên hay không? Thực tế là điều này nghe có vẻ đơn giản lại không hề dễ dàng cho Trung Quốc. Bởi Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ. Do đó, Bắc Kinh không thể đáp trả thuế quan trực tiếp theo kiểu "1 đổi 1" nếu Tổng thống Trump đánh thuế lên toàn bộ hàng nhập khẩu của Trung Quốc được.

Vậy, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng đến những "vũ khí" đáp trả nào nếu cuộc chiến thương mại với Mỹ không dừng lại và tiếp tục có dấu hiệu "tăng nhiệt"?

Một biện pháp thường được đề cập tới là Trung Quốc có thể bán ra một phần trong số trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá hơn 1.000 tỷ USD mà nước này đang nắm giữ. Điều này sẽ tạo ra tác động không nhỏ đến nền kinh tế Mỹ nhưng các chuyên gia nhận định kế hoạch này là bất khả thi. CBS News trích lời Greg McBride - một chuyên gia phân tích tài chính hàng đầu tại Bankrate cho rằng "việc Trung Quốc bán hạ giá trái phiếu Mỹ cũng sẽ gây tổn hại cho họ" bởi giá trái phiếu giảm thì cũng đồng nghĩa với giá trị số trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ cũng "lao dốc".

Dưới đây là một số biện pháp khả thi khác ngoài thuế quan mà Trung Quốc có thể sử dụng trong trường hợp tranh chấp thương mại với Mỹ trở thành một cuộc chiến trường kỳ.

Siết chặt quy định và "làm khó" các công ty Mỹ

Trung Quốc có thể đáp trả các "đòn" thuế quan của Mỹ thông qua việc siết chặt các quy định như một công cụ để "làm khó" các công ty Mỹ. Bắc Kinh có thể sẽ “gây khó dễ” cho các công ty Mỹ trong việc cấp giấy phép, thực hiện các mức thuế mới hoặc tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền và các cuộc điều tra khác. Chưa hết, kéo dài thời gian cấp giấy tờ hải quan, trì hoãn đơn xin visa hoặc sử dụng các quy định về y tế và an toàn cũng là những công cụ để Trung Quốc "ăn miếng trả miếng" với Mỹ.

Các công ty Mỹ từng phàn nàn một thời gian dài rằng Trung Quốc khiến họ khó tiếp cận thị trường và đôi khi không "chơi đẹp" trong việc tuân thủ các quy định về thương mại toàn cầu, đặc biệt những vấn đề liên quan đến công nghệ và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hầu hết các công ty này đều cho rằng thuế quan không phải là một giải pháp lý tưởng để khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ trong kinh doanh.

"Mặc dù chúng tôi đánh giá cao những cam kết của chính phủ trong việc giải quyết những chính sách và các hoạt động thương mại công nghệ bất bình đẳng của Trung Quốc nhưng căng thẳng thương mại như hiện nay cũng sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp, công nhân và người tiêu dùng Mỹ", CBS News dẫn lời Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin Mỹ cho biết ngày 10/5.

Các công ty sản xuất các sản phẩm đòi hỏi công nghệ phức tạp của Mỹ như Boeing, GM và Apple đều mong muốn bán các sản phẩm của họ cho "thị trường khổng lồ" Trung Quốc. Boeing đã phân phối máy bay thứ 2.000 tới một hãng hàng không Trung Quốc năm 2018 và dự đoán rằng nhu cầu cho sản phẩm này sẽ tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ tới. GM vào tháng 4/2019 cho biết việc giảm doanh thu thương mại với Trung Quốc đã khiến lợi nhuận của cả quý giảm sút. 20% tổng doanh thu năm 2018 của Apple là từ Trung Quốc. Trong khi đó, người đồng sáng lập Elon Musk của Tesla đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy khổng lồ ở quốc gia này.

Làm suy yếu đồng Nhân dân tệ

"Trung Quốc có thể tăng thuế quan lên 25% và mở rộng mức thuế này với tất cả hàng hóa Mỹ. Mức thuế này sẽ "bóp nghẹt" hãng ô tô GM ở Trung Quốc. Hoặc Bắc Kinh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hãng máy bay Airbus - đối thủ của các hãng máy bay Mỹ, thậm chí cả khi Airbus không có trụ sở dòng máy bay A330 ở Trung Quốc", Brad Sester - một chuyên gia kinh tế cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định.

"Nhưng để đồng Nhân dân tệ suy yếu, theo quan điểm của tôi, luôn là cách đáp trả "tương xứng" có vẻ hợp lý nhất của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại".

Nếu đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá trị, điều này sẽ khiến hàng hóa của nước này rẻ hơn ở những thị trường nước ngoài, tăng nhu cầu và quy mô xuất khẩu trên toàn cầu.

Giảm đầu tư vào Mỹ

Việc đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đang suy giảm khi tỷ lệ này giảm 80% từ năm 2017 đến năm 2018 xuống còn 5 tỷ USD. Năm 2017, Trung Quốc cũng giảm đầu tư vào Mỹ so với năm 2016 khi giảm từ 46 tỷ USD xuống còn 29 tỷ USD, theo một báo cáo gần đây từ Nhóm Rhodium.

Cũng theo số liệu này, đầu tư Mỹ vào Trung Quốc năm 2018 cũng giảm nhẹ từ 14 tỷ USD xuống còn 13 tỷ USD so với năm 2017.

Ảnh hưởng của mức thuế quan hiện nay mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc đã khiến chính người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm tiền cho những hàng hóa nhập khẩu có giá cao hơn này, đồng thời làm tăng lạm phát, giảm đầu tư kinh doanh và "đánh" vào lợi nhuận của các nhà sản xuất Mỹ, vừa là nguồn cung, vừa là nguồn cầu của Trung Quốc.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ làm giảm 2,6% GDP của Mỹ, khiến 3 triệu người mất việc và khiến nền kinh tế suy thoái vào thời điểm ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Dĩ nhiên, cũng không thể bỏ qua những hậu quả mà Trung Quốc phải chịu khi viễn cảnh này khiến tăng trưởng của Bắc Kinh giảm 1,5% và khiến thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc "suy thoái toàn cầu".

Dựng nên "bức tường sắt kinh tế"

Một số chuyên gia cho rằng một cuộc chiến thương mại mở rộng được khơi mào bằng trừng phạt thuế quan dưới lý do mang tên những rủi ro an ninh quốc gia có thể khiến các công ty công nghệ Mỹ mất đi các nhà cung cấp quan trọng. Viễn cảnh như vậy sẽ tạo ra một "bức tường sắt kinh tế", cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson nhận định với trang CBS.

"Bảo vệ an ninh quốc gia là một vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng để phát triển kinh tế thì không thể bỏ qua một phần quan trọng chính là công nghệ. Nguy cơ thực sự là khi cả 2 quốc gia đều tiếp tục các hành động đáp trả nhau và hình thành một bức tường sắt kinh tế, nghĩa là sẽ tách biệt các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều ấy khiến chúng ta sẽ có 2 hệ thống cùng tồn tại với những tiêu chuẩn không thống nhất trong các quy định.

James Sullivan - người đứng đầu một dự án nghiên cứu thuộc tổ chức tài chính J.P. Morgan nhận định cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung chỉ là màn dạo đầu cho sự tái sắp xếp trật tự thương mại toàn cầu.

"Khi chúng ta dần hướng đến một thế giới đa cực, chúng ta phải nhận ra rằng những cuộc đàm phán thương mại không phải lúc nào cũng đi đến thống nhất và mọi thứ mới chỉ là khởi đầu".

Cắt giảm nhập khẩu nông sản Mỹ

Nếu việc Trung Quốc nâng thuế lên 25% với hơn 5.000 mặt hàng của Mỹ có hiệu lực từ ngày 1/6, trong đó nhằm vào một loạt các mặt hàng nông sản thì đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất không ai khác chính là các nông dân Mỹ.

Theo Reuters, thậm chí cả khi việc xuất khẩu đậu nành và các nông sản khác sụt giảm giữa bối cảnh chiến tranh thương mại thì Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Mỹ. Để giúp các nông dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp đáp trả từ Trung Quốc và các nước khác, chính quyền Tổng thống Trump năm 2018 đã hứa sẽ trợ giá nông nghiệp 12 tỷ USD. Số tiền này bao gồm các khoản bồi thường sự tổn thất về doanh thu đậu nành, ngô cũng như các nông sản khác khi giá của các mặt hàng này giảm. Ngày 13/5, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ cung cấp thêm 15 tỷ USD trợ giá nông nghiệp khi chiến tranh thương mại leo thang.

Thực tế thì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của hàng hóa Mỹ năm 2018 và bất chấp các mức thuế quan trước đó, Trung Quốc vẫn mua 9,3 tỷ USD các nông sản từ Mỹ năm 2018.

Dù vậy, thậm chí cả khi được hứa hẹn về các khoản trợ giá của chính phủ, các nông dân Mỹ cũng không mấy hài lòng.

"Điều đó không khiến chúng tôi hài lòng. Chúng tôi muốn thị trường quay trở lại như cũ. Chúng tôi không can thiệp vào việc Tổng thống đàm phán như thế nào nhưng một khoản trợ giá từ chính phủ không phải những điều tôi mong muốn", Bill Gordon - một nông dân ở bang Minnesota cho biết.

Đặc biệt, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 không còn xa, những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến đường vào Nhà Trắng của ông Trump thêm khó khăn khi những bang quan trọng như Iowa, Michigan, Minnesota, Pennsylvania và Wisconsin – những bang phụ thuộc vào nông nghiệp và chịu ảnh hưởng bởi thuế quan.

Theo Kiều Anh/VOV.VN

Tệp đính kèm