TS Vũ Thu Hương không đồng ý với cách phạt quỳ của cô giáo, nhưng việc phụ huynh phản ứng có thể khiến học sinh nghĩ rằng các em không bao giờ sai.
Câu chuyện về cô giáo trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ gối đã thu hút dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng hình phạt này mang tính xúc phạm danh dự học sinh, song cũng có không ít ý kiến đồng cảm với những áp lực của giáo viên.
Phạt quỳ chắc chắn không phải cách tốt
Dưới góc độ của một chuyên gia giáo dục, tâm lý, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng phạt học sinh bằng cách quỳ chắc chắn không phải là cách tốt, đôi khi còn mang lại những hậu quả tiêu cực. Các hình phạt giúp học sinh tiến bộ lên, nhưng vẫn phải tôn trọng cơ thể của trẻ. Tuy nhiên việc gia đình cháu bé làm ầm lên, lại phản giáo dục, tai hại hơn cả hình thức phạt của cô giáo. Việc làm này của phụ huynh khiến hình phạt của cô giáo trở nên vô nghĩa, học sinh có thể nghĩ rằng bản thân không bao giờ sai, mọi lỗi lầm đều do cô giáo.
TS Vũ Thu Hương cho rằng việc phụ huynh bênh vực con thái quá có thể dẫnđến tác dụng phản giáo dục. (ảnh: KT)
“Bản thân tôi đã rất nhiều lần trợ giúp cho gia đình có con trở nên “bất trị” vì có nhiều lần phụ huynh bênh vực con trước mặt cô giáo. Từ đó giáo viên gần như không thể giáo dục các học sinh này. Đến khi chúng hành xử tệ với cả bố mẹ, phụ huynh mới nhận ra thì quá muộn và đôi khi không thể cứu vãn.
Trong câu chuyện này, cả 2 bên đều sai. Chúng ta nhấn mạnh vào lỗi sai của người này để hành xử một cách sai hơn với người khác thì sẽ dẫn đến những hậu quả rất lớn và không thể khắc phục”, cô Hương nhấn mạnh.
Theo TS Vũ Thu Hương, thực tế, hình thức phạt quỳ rất phổ biến ở thời kỳ trước giải phóng. Chính bản thân các cô giáo có lẽ cũng đã được giáo dục bằng phương pháp này, nên chưa ý thức hết được tác động đến học sinh, thậm chí có thể nghĩ rằng việc này có lợi cho học sinh.
Không phải tất cả các nước trên thế giới đều tôn trọng học sinh bằng cách không đánh các em. Có đến 17 bang tại nước Mỹ đồng ý rằng học sinh cũng cần phải “ăn roi”. Rất nhiều quốc gia có hình thức phạt quỳ học sinh trên các hạt đỗ đông lạnh để phải chịu cảm giác đau, nhớ lâu. Họ đề cao các hình phạt này mà không hề ngăn cấm hay lên án.
Chuyên gia tâm lý này cho rằng, khi những giáo viên phải tiếp nhận những học sinh bất trị, họ sẽ gặp khó khăn trong vấn đề giáo dục và rất dễ đến cảm giác bất lực đối với việc rèn luyện đạo đức tư cách cho học sinh.
Học sinh là ông "vua con" vì gia đình bênh thái quá
Song điều đáng nói là đôi khi nguyên nhân khiến nhiều học sinh trở nên “bất trị” lại đến từ việc phụ huynh bênh vực con một cách thiếu cân nhắc. Bố mẹ can thiệp quá sâu vào chuyện giáo dục trong trường, từ đó học sinh cảm thấy không ai có quyền động vào mình.
“Tôi rất thông cảm với những áp lực mà giáo viên phải chịu, nhưng cũng không đồng ý với cách làm của cô. Sở dĩ việc này trở nên căng thẳng do cách giáo dục của giáo viên không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Trong câu chuyện này, những người làm giáo dục đều thấy được ý tốt của cô giáo, nhưng những người trong ngành giáo dục không hề có tiếng nói bênh vực với giáo viên và giải quyết mâu thuẫn với phụ huynh.
Rồi cũng từ những câu chuyện tương tự, ngành giáo dục đã đưa ra những dự thảo quy định ngang trái như phạt tiền 20-30 triệu với giáo viên đánh, mắng học sinh. Điều này càng khiến những mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn. Giáo viên là người đứng giữa việc làm thế nào để học sinh tiến bộ và không được sử dụng hình phạt với học sinh. Giáo viên sẽ là người thiệt thòi, áp lực trong câu chuyện này, nếu như lãnh đạo không hiểu, thông cảm và giúp đỡ họ. Bản thân tôi cũng đặt ra câu hỏi, công đoàn ngành giáo dục ở đâu để không có những cách giải quyết tốt hơn”, TS Hương băn khoăn.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng chính sự chồng chéo trong các điều luật, nhưng lại không có quy định cụ thể về thưởng phạt học sinh đã khiến cho giáo viên bối rối không biết làm gì. Nếu có những quy định rõ ràng rằng trong hoàn cảnh nào được phạt ra sao, những hình thức nào được coi là xúc phạm học sinh thì sẽ hạn chế được những sự việc tương tự.
“Có nhiều trường hợp tôi được biết giáo viên chỉ phạt học sinh đứng lên ngồi xuống nhưng cũng bị phụ huynh đòi kiện. Điều này đôi khi để lại hậu quả nặng nề, các con sẽ không biết đâu là điểm dừng, đâu là đúng sai, dẫn đến rối loạn nhận thức các vấn đề xã hội và điều chỉnh hành vi. Bên cạnh đó, giáo viên cũng sẽ có tâm lý sợ không dám động vào học sinh”, TS Hương lo lại.
Để giảm những sự việc đáng tiếc xảy ra trong môi trường giáo dục, TS Vũ Thu Hương đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Hiệu trưởng các trường học. Trong đó, Hiệu trưởng là người nên làm rõ những giới hạn hành vi của cả giáo viên và học sinh, công khai những hình phạt và có sự thống nhất về phương pháp giáo dục giữa nhà trường và phụ huynh./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN