Cập nhật: 24/05/2019 15:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long): Việc dạy và học ở một số bộ phận nhà trường, một số thầy cô vẫn có biểu hiện chạy theo thành tích.

Vừa qua, một phụ huynh ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã đăng tải lên mạng xã hội thành tích học tập của một lớp tại trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP Vũng Tàu), với thành tích 42/43 học sinh đạt loại giỏi trong đó có cháu ruột mình đang học lớp 6. Vị phụ huynh này hoài nghi thành tích của chính cháu ruột mình, bởi với khả năng và sức học của cháu không thể đạt thành tích cao được.

Bệnh thành tích ăn sâu vào trong nhận thức

Trước sự việc này, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, nếu căn cứ vào một vụ việc cụ thể đó, thì đây là một việc không bình thường. Bởi, nếu là một lớp bình thường, không phải là lớp chọn thì rõ ràng là học lực của học sinh trong lớp là khác nhau và kết quả nó sẽ phải phân bố ở các phổ khác nhau, xếp loại khác nhau ứng với học lực của học sinh. Do vậy, phần lớn học sinh trong một lớp đều được công nhận là học sinh giỏi thì rõ ràng là bất bình thường.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long).

“Từ vụ việc cụ thể đó, có thể nói, việc dạy và học trong ngành giáo dục ở một số bộ phận nhà trường, một số thầy cô vẫn có biểu hiện chạy theo thành tích, nặng về việc dạy theo kiểu đánh giá cho điểm chứ chưa chú trọng đến kết quả thực chất của quá trình dạy và học”- đại biểu Phạm Tất Thắng cho biết.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, căn bệnh thành tích từ lâu đã ăn sâu vào trong nhận thức, suy nghĩ của những nhà quản lý, của thầy cô giáo. Đồng thời đây cũng là áp lực đối với mỗi giáo viên khi họ đến lớp, làm chủ nhiệm. Trước thực trạng này, đòi hỏi ngành giáo dục phải hết sức quan tâm, tránh để các em tự hão huyền về thành tích của mình.

Bởi nếu các em tự tin một cách thái quá, thành tích học tập của các em được công nhận một cách quá dễ dàng sẽ khiến các em có tâm lý quá tự hào về bản thân. Như vậy, nguy cơ sau này các em sẽ có những lệch chuẩn trong tương lại. “Phát triển con người là cả một quá trình rất dài, không chỉ của ngành giáo dục. Tôi cho rằng, đây cũng là một phần lỗi của phụ huynh học sinh. Cả cộng đồng xã hội phải có trách nhiệm từ gia đình, nhà trường, cộng đồng cùng với các nhà lập pháp, hoạt động chính sách cần ngồi lại với nhau, bàn sâu về công tác giáo dục thì mới đạt hiệu quả”- đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết.

Vừa qua, thảo luận về một một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, ông rất tiếc là cuộc vận động “hai không” của ngành giáo dục (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) một thời đã làm giờ lại không thực hiện được.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình).

“Nếu cứ tiếp tục tình trạng kéo dài thế này thì không biết tương lai con em chúng ta sẽ như thế nào. Nếu con em chúng ta nhận thức, ảo tưởng về bản thân mình với chính sách giáo dục của nước ta hiện nay, đánh giá, xếp loại, chuyển lớp, chuyển cấp như vậy thì sẽ như thế nào”- đại biểu Bùi Văn Phương băn khoăn.

Được biết, trước thông tin được đăng tải trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận, sáng 23/5, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có buổi làm việc với phòng GD-ĐT Vũng Tàu về việc 42/43 học sinh trong 1 lớp đạt loại giỏi. Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở sẽ chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vũng Tàu, làm việc với hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình về nội dung thông tin 42/43 học sinh đạt loại giỏi được đăng tải trên mạng xã hội để giải thích cho dư luận hiểu rõ về thành tích học tập tại lớp học này. 

Theo Thy Hạt/VOV.VN

Tệp đính kèm