Dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 28-29/6 ở Osaka, Nhật Bản.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 8/6 cho biết, Mỹ vẫn để ngỏ các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, song bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào sẽ phải chờ đến thời điểm lãnh đạo hai nước gặp nhau vào cuối tháng này. Đây được cho là động thái tìm cách hạ nhiệt căng thẳng thương mại và chờ đợi một tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc của Mỹ.
Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Fukuoka của Nhật Bản, Bộ trưởng Mnuchin cảnh báo, Mỹ sẽ theo đuổi việc áp thuế nếu không đạt được thỏa thuận, đồng thời hy vọng tiến triển lớn sẽ đạt được trong cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước tại G20. Dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra từ ngày 28/6 và 29/6 tới ở Osaka, Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN
Theo Bộ trưởng Mnuchin, mặc dù ông sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương (Yi Gang) bên lề hội nghị G20, nhưng đó sẽ không phải là "một cuộc họp đàm phán". Ông nhận định quan hệ thương mại hiện nay giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới "rất mất cân bằng".
Theo ông Mỹ và Trung Quốc đã "hoàn thành 90%" việc ký kết một thỏa thuận thương mại trước khi các cuộc hội đàm sụp đổ và đây là hậu quả của việc Trung Quốc rút lại những cam kết quan trọng. Bộ trưởng Mnuchin cũng không cho rằng, căng thẳng thương mại hiện nay gây tổn hại tới kinh tế toàn cầu, một trong những chủ đề quan trọng đang được thảo luận tại hội nghị G20 ở Fukuoka. Tuy nhiên, ông dự báo nếu một thỏa thuận đạt được, thì đây sẽ là cú hích cho nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, ngày 7/6, giới chức Mỹ đã gia hạn thêm 2 tuần cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc để họ có thời gian xuất sản phẩm sang Mỹ trước khi những mặt hàng này bị tăng thuế. Theo giới chức Mỹ, những công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng có các sản phẩm xuất sang Mỹ trước ngày 10/5 lẽ ra chịu tăng thuế từ ngày 1/6, giờ có thêm thời gian đến giữa tháng để đưa hàng hóa đến Mỹ với mức thuế cũ.
Giới quan sát cho rằng, Mỹ không muốn đẩy nhanh việc áp thuế với các mặt hàng của Trung Quốc mà đang chờ đợi một tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc. Đây cũng được cho là động thái tìm cách hạ nhiệt bằng cách lùi hạn chót áp thuế các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ. Bởi hôm 6/6, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố, nước này sẽ chiến đấu đến cùng nếu Mỹ quyết làm leo thang căng thẳng thương mại.
“Trung Quốc kiên quyết chống lại việc Mỹ sử dụng quyền lực nhà nước và các biện pháp phi thương mại để đàn áp các doanh nghiệp Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng, Mỹ có thể duy trì lý trí và tránh leo thang tình hình”, ông Cao Phong nhấn mạnh.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kéo dài gần một năm qua. Tiến trình đàm phán thương mại tưởng như đang đi đến hồi kết đã bất ngờ quay lại vạch xuất phát sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc "quay lưng" với những cam kết giữa hai bên, liên quan việc phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được dày công xây dựng sau 10 vòng đàm phán.
Căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 vừa qua đã ra lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, trong thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán.
Người đứng đầu Nhà Trắng thậm chí đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giá trị khoảng 325 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng thông báo tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1/6./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV.VN