Theo Viện Da liễu Quốc gia, ung thư da đứng hàng thứ 8 trong số 10 loại ung thư thường gặp với tỷ lệ trung bình 2,9-4,5 ca/100.000 dân.
Hai loại ung thư da phổ biến nhất ở nước ta là ung thư tế bào đáy và tế bào vẩy. Cả hai loại này đều ở bề mặt, tốc độ phát triển chậm và khả năng chữa khỏi cao, nhất là khi được phát hiện sớm. Còn ung thư tế bào hắc tố khá nguy hiểm, dễ gây tử vong nhưng hiếm gặp hơn. Điều đáng lo ngại ung thư da rất dễ nhầm lẫn với các loại bệnh lý da khác, vì vậy, việc phát hiện sớm để được điều trị đúng là vô cùng quan trọng.
Ung thư da không chỉ do ánh nắng mặt trời
Ung thư da là sự tăng trưởng bất thường của tế bào da. Có ba loại chính của ung thư da là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy và ung thư tế bào hắc tố. Khi các tế bào da tăng đột biến một cách không kiểm soát được, chúng tạo thành một khối gọi là khối u. Các khối u thường được gọi là tổn thương da. Khối u được gọi là ung thư khi chúng được cấu tạo từ các tế bào ác tính.
Phát hiện sớm và điều trị đúng ung thư da là vô cùng quan trọng.
Về nguyên nhân gây ung thư da thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến, trong đó thường gặp hơn là do tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Tia cực tím xuyên qua da làm tổn thương các tế bào sống, làm rối loạn di truyền trong tế bào da.
Tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo (việc thường xuyên sử dụng đèn chiếu sáng trên sân khấu và đèn ngủ cũng có thể tăng khả năng phát triển ung thư da); những tổn thương về da. Những vùng da đã từng bị bỏng hoặc có thời gian dài bị viêm nhiễm có nguy cơ cao trong việc phát triển ung thư biểu bì tế bào có vảy. Yếu tố di truyền như một số người do yếu tố di truyền hiếm gặp có nguy cơ ung thư da cao hơn. Tuy nhiên, ung thư da không ác tính không được hình thành bởi lỗi gene di truyền do đó không thể truyền cho các thành viên khác trong gia đình bạn, vì vậy các thành viên khác trong gia đình bạn không thuộc đối tượng có nguy cơ cao về phát triển ung thư da. Các nguyên nhân khác có thể tiếp xúc với hóa chất các loại hóa chất như: than, nhựa đường, khói muội, dầu hỏa, dẫn suất xăng dầu, thuốc nhuộm tóc, lọc dầu và thạch tín...
Vùng da dễ bị tổn thương
Ung thư da thường xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân ở phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn có thể xuất hiện ở những vùng da còn lại, như lòng bàn tay, vùng gan ngón chân. Bên cạnh đó, một số thói quen làm đẹp không an toàn như việc tắm trắng, lột da không đúng cách cũng có thể dẫn đến các bệnh về da. Những người có làn da nâu và đen thường ít có nguy cơ phát triển ung thư da vì hắc tố màu trong da họ đã mang đến cho họ sự bảo vệ tự nhiên. Những người có làn da mịn có chiều hướng chuyển sang đỏ hoặc xuất hiện những nốt tàn nhang khi đi nắng sẽ có nguy cơ cao nhất về bệnh này. Trẻ em và những người trẻ tuổi có thói quen phơi nắng lâu dưới ánh nắng mặt trời cũng sẽ có nguy cơ cao về sự phát triển khả năng ung thư da.
Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư da là một chỗ biến đổi bất thường của da, ví dụ như một vết loét đau, chảy máu, đóng vảy rồi lành, sau đó lại loét trở lại ngay vị trí này. Dấu hiệu này có thể xuất hiện từ từ, phát triển chậm nhưng cũng có thể xuất hiện đột ngột. Một phần nhỏ của ung thư da là u hắc tố ác tính. Melanoma ác tính là một bệnh ung thư có xu hướng lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
Ngoài ra, những dấu hiệu đột nhiên gia tăng số lượng và kích thước, đổi màu nốt ruồi, tàn nhang, vết sần trong thời gian ngắn, chảy máu hoặc có cảm giác đau rát ở nốt ruồi, tàn nhang, vết sần. Khi thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường trên da cần đến các bệnh viện chuyên khoa để có thể phát hiện sớm bệnh.
Lời khuyên của bác sĩ
Nếu được chữa trị ngay từ giai đoạn ban đầu thì khả năng chữa khỏi rất cao. Hầu hết các ung thư da đều gây ra những biến đổi trên một vùng da khu trú. Do vậy, khi có những dấu hiệu nghi ngờ trên, chúng ta cần đi khám chuyên khoa sớm vì ung thư da ít gây đau nên thường chủ quan. Cách tốt nhất để phòng tránh ung thư da là hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Trẻ em khi tắm nắng cần tránh ánh nắng gay gắt, nhất là trong khoảng thời gian từ 10-16 giờ. Những ngày nắng nóng nên uống nhiều nước, khi phải làm việc ngoài trời, cần đội nón mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay, đeo kính râm để chống nắng, nên sử dụng kem chống nắng. Cần nhớ các tia tử ngoại UV trong ánh nắng mặt trời là thủ phạm chính của bệnh ung thư da. Hơn 90% các trường hợp ung thư da được gây ra bởi các tia cực tím của mặt trời.
Ngoài ra hạn chế tiếp xúc với các chất hóa học gây ảnh hưởng cho da. Bảo vệ da, tránh để da bị các tổn thương.
BS. Nguyễn Hưng
Theo suckhoedoisong.vn