Thời gian qua, cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài, đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc nhưng trên sản phẩm được gắn nhãn “Made in Vietnam”. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã xây dựng giải pháp căn bản chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp, chống giả mạo nhãn mác hàng hóa.
Theo đó, Tổng cục Hải quan xây dựng, phân tích cơ sở dữ liệu về nhóm doanh nghiệp, nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn mác hàng hóa để áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương tăng cường năng lực trong kiểm tra, xác định xuất xứ từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến khâu kiểm tra sau thông quan; phối hợp với các lực lượng có liên quan trong việc chia sẻ thông tin liên quan đến gian lận xuất xứ; giả mạo nhãn mác hàng hóa; áp dụng C/O điện tử và chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên trong các FTA. Trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận 80 đơn đề nghị và chấp nhận 56 đơn đề nghị hàng hóa có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tiếp nhận đề nghị gia hạn kiểm tra, giám sát hải quan đối với 7 nhãn hiệu hàng hóa có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Truyền hình Thông tấn