Cập nhật: 05/07/2019 08:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cậu con trai 5 tuổi ăn khỏe, ngủ giỏi, thế nhưng mỗi lần đi tiểu, cậu bé lại la khóc, tình trạng kéo dài khiến phụ huynh phát hoảng phải đưa con đến gặp bác sĩ mới biết bé bị nhiễm trùng tiểu nghiêm trọng.

Chị Thanh Hà, nhà ở quận 3 (TP.HCM), mẹ của cậu bé 5 tuổi vừa nêu cho biết, cậu bé sinh hoạt bình thường ngoại trừ chuyện đi tiểu. “Con trai tôi rất ngoan, thế nhưng mỗi lần buồn đi tiểu, mặt nhăn nhó rồi khóc thét. Ban đầu vợ chồng tôi nghĩ bé uống nước quá ít hoặc nghịch dại nhét dị vật vào đường tiểu, mãi đến khi được bác sĩ khám mới biết bé bị nhiễm trùng.

Một trường hợp khác, vợ chồng anh Tùng nhà ở Bình Phước cho hay, cả nhà anh chị “lo đến phát hoảng loạn” bởi mỗi lần bé trai 3 tuổi con của anh chị đi tiểu là la khóc.Bé sau đó lừ đừ mệt mỏi, chán ăn và lười sinh hoạt. Nghĩ con bị bệnh nặng, đưa đến bệnh viện khám phụ huynh mới biết nguyên nhân do đường tiểu bị nhiễm trùng.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp nhiễm trùng tiểu, một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, bệnh có nguyên nhân do sự phát triển của vi trùng trong bàng quang (nơi chứa nước tiểu) và thỉnh thoảng là ở thận (nơi lọc và tạo thành nước tiểu). Nhiễm trùng tiểu có thể không có triệu chứng hay chỉ khiến cho trẻ có giác không khỏe hay bệnh rất nặng.

 

Ảnh minh họa

Triệu chứng ở trẻ trên 3 tuổi

Những triệu chứng nhiễm trùng tiểu ở trẻ trên 3 tuổi thường giống người lớn với những biểu hiện như sau:

- Than đau khi đi tiểu.

- Đi tiểu lắt nhắt, nhiều lần hơn bình thường.

- Tiểu són trong quần.

- Tiểu dầm vào ban đêm.

- Cảm giác mệt mỏi, không khỏe trong người.

- Mất cảm giác ngon miệng, biếng ăn.

- Sốt cao.

- Đau vùng bụng dưới hay đau vùng hông lưng.

Trong đa số trường hợp, dùng kháng sinh bằng uống trong 3 - 7 ngày có thể diệt hoàn toàn vi khuẩn

 Triệu chứng ở trẻ dưới 3 tuổi

Trẻ nhỏ hay sơ sinh có triệu chứng rất thầm lặng và không điển hình. Các bé không thể than thở hay nêu lên sự khó chịu liên quan đến đường tiểu và bạn cũng khó theo dõi được việc trẻ đi tiểu lắt nhắt nhiều lần hơn bình thường (do trẻ thường được quấn tả và bình thường thì số lần đi tiểu của trẻ cũng đã rất nhiều).

Các bé thường biểu hiện qua các dấu hiệu gián tiếp như sốt, bứt rứt, khó chịu, quấy khóc. Đối với trẻ càng nhỏ, bệnh có thể biểu hiện nặng hơn do tình trạng nhiễm trùng huyết (vi trùng xâm nhập vào máu và lan nhanh khắp cơ thể).

Làm sao xác định bệnh?

Nếu bác sĩ nghi ngờ con bạn bị nhiễm trùng tiểu, bạn sẽ được yêu cầu lấy mẫu nước tiểu của bé vào một lọ đựng vô trùng để xét nghiệm.

Nước tiểu phải được lấy khi bé đang đi tiểu. Để đảm bảo mẫu nước tiểu không bị lây nhiễm vi trùng bên ngoài, bạn phải lấy nước tiểu giữa dòng, nghĩa là sau khi vệ sinh sạch sẽ đường tiểu và cho bé đi tiểu, bạn phải bỏ phần nước tiểu ban đầu (nghĩa là bỏ phần nước tiểu đầu dòng) và chỉ hứng phần nước tiểu sau đó và phải ngưng lại trước khi bé đi tiểu xong (nghĩa là không lấy phần nước tiểu cuối dòng).

Nếu bé không thể lấy nước tiểu giữa dòng, bác sĩ có thể phải lấy mẫu nước tiểu bằng cách đưa một ống nhỏ vào bàng quang thông qua niệu đạo (đặt xông tiểu) hay chọc một kim nhỏ vào bàng quang thông qua thành bụng.

Phương pháp lấy mẫu nước tiểu bằng cách cho trẻ đeo túi hứng không nên được sử dụng vì nước tiểu thu được rất dễ bị nhiễm khuẩn bên ngoài khiến cho kết quả xét nghiệm không chính xác.

Trong một số trường hợp, bác sĩ phải yêu cầu trẻ làm thêm một số xét nghiệm khác như siêu âm bụng, xạ hình thận hay chụp X-quang bàng quang niệu quản ngược dòng.

Điều trị có khó không?

Sau khi lấy nước tiểu xét nghiệm, con bạn sẽ được bắt đầu điều trị kháng sinh ban đầu.Kháng sinh này có thể được thay đổi sau khi có kết quả cấy nước tiểu (thường có kết quả sau 2 ngày).Cần nhớ rằng bạn phải luôn thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh dùng thuốc của bác sĩ.Nếu tình trạng nhiễm trùng nặng, bé có thể được cho nhập viện để dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, dùng kháng sinh đường uống trong 3 - 7 ngày có thể diệt hoàn toàn vi khuẩn.

Nếu trẻ đã bị nhiễm trùng tiểu một lần sẽ có nguy cơ nhiễm trùng tiểu tái phát sau đó

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn cho trẻ uống kháng sinh liều thấp trong một thời gian dài để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu. Trường hợp này thường được chỉ định cho những trẻ còn mang tả hay thường xuyên bị nhiễm trùng tái phát hay dị dạng đường tiết niệu. Tuy nhiên bạn cũng cần biết rằng trẻ vẫn có thể bị nhiễm trùng tiểu ngay khi đang sử dụng kháng sinh liều thấp dự phòng.

Phòng bệnh

Nếu trẻ đã bị nhiễm trùng tiểu một lần sẽ có nguy cơ nhiễm trùng tiểu tái phát sau đó, đặc biệt là bé gái. Sau đây là những hướng dẫn đơn giản giúp bạn phòng ngừa nhiễm trùng tiểu cho trẻ:

- Cố gắng cho con bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời vì điều này có lợi ích tổng thể cho sự phát triển của hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

- Nhiễm trùng tiểu là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là bé gái

- Uống kháng sinh đầy đủ và lấy nước tiểu xét nghiệm đúng cách rất quan trọng cho việc điều trị thành công.

- Nếu trẻ có biểu hiện lừ đừ, sốt cao hay rất mệt mỏi cần khám bác sĩ ngay.

- Khuyến khích con uống nhiều nước giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu và cũng làm giảm nguy cơ táo bón.

-  Khuyến khích bé sử dụng nhà vệ sinh ngay khi bé cần đi tiểu và không được “nhịn tiểu”. Nhịn tiểu sẽ làm cho vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn.

- Dạy trẻ gái thói quen tắm rửa và lau chùi từ trước ra sau giúp giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn lây lan từ hậu môn và xâm nhập vào niệu đạo.

- Cung cấp cho con bạn đồ lót tránh chất liệu tổng hợp vì đây là môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển.

- Ở trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi, thay tã thường xuyên để ngăn vi khuẩn phát triển.

- Bác sĩ nhi khoa có thể đề nghị các biện pháp khác để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu như điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em trai hoặc dính môi bé ở trẻ em gái.

- Nếu trẻ vị thành niên bị nhiễm trùng tiểu tái phát thường xuyên và trẻ có hoạt động tình dục, bạn cần tham khảo thêm bác sĩ về những nguy cơ về các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.

BS.CKI. DƯ MINH TRÍ

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm