Sau những tranh cãi ngoại giao liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến, căng thẳng Hàn Quốc-Nhật Bản đang “lan” sang cả lĩnh vực kinh tế.
Biện pháp áp đặt các qui định xuất khẩu chặt chẽ hơn của Nhật Bản đối với 3 vật liệu công nghệ cao trong ngành sản xuất của Hàn Quốc hôm qua (4/7) chính thức có hiệu lực. Điều này làm gia tăng nguy cơ 2 nền kinh tế lớn khu vực Đông Bắc Á rơi vào vòng xoáy xung đột thương mại, sau những tranh cãi ngoại giao liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.
Căng thẳng Hàn Quốc-Nhật Bản đang “lan” sang cả lĩnh vực kinh tế. Ảnh: Reuters
3 vật liệu công nghệ cao trong danh sách hạn chế dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình điện thoại thông minh. Quyết định được cho là sẽ ảnh hưởng đến các "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display. Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên. Truyền thông Nhật Bản cho rằng sẽ rất khó khăn cho các nhà sản xuất Hàn Quốc tìm các nguồn cung thay thế. Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura giải thích bước đi được đưa ra “đơn thuần” để kiểm soát hệ thống quản lý xuất khẩu của nước này một cách thích hợp:
“Mục tiêu của việc sửa đổi này là kiểm soát thích hợp các hoạt động xuất khẩu, không phải là biện pháp đối phó với Hàn Quốc. Việc điều hành xuất khẩu trở nên khó khăn hơn, trong khi vẫn duy trì mối quan hệ ngoại giao đáng tin cậy với Hàn Quốc. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng phát hiện ra các hành vi không phù hợp, liên quan đến hoạt động kiểm soát xuất khẩu tới Hàn Quốc. Do vậy, Nhật Bản đã quyết định thắt chặt các hoạt động xuất khẩu”
Phía Hàn Quốc cho rằng, đây là biện pháp trả đũa kinh tế trong bối cảnh tranh cãi ngày càng gia tăng liên quan đến vấn đề lao động bị cưỡng bức thời chiến. Nhật Bản tháng trước đã bác bỏ đề xuất của Hàn Quốc thành lập một Quỹ bồi thường chung cho các nạn nhân, với đóng góp từ công ty của cả hai quốc gia. Lập trường của Nhật Bản hiện vẫn không thay đổi đó là vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến đã được giải quyết xong, khi hai nước ký hiệp ước khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1965. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc lại lập luận rằng hiệp ước này không ngăn người dân kiện các công ty Nhật Bản và phán quyết của tòa án Hàn Quốc về việc bồi thường cho các nạn nhân nên được tôn trọng.
Những bước đi của Nhật Bản được cho chỉ là điểm khởi đầu của những căng thẳng mới giữa hai nước, khi hai bên đều không có dấu hiệu nhượng bộ. Hãng tin Kyodo News thông báo, Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng các mặt hàng xuất khẩu đến Hàn Quốc. Trong khi đó, Lãnh đạo Đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc Lee Hae Chan khẳng định, cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam Ki hôm qua không bác bỏ các biện pháp trả đũa Nhật Bản, đồng thời cảnh báo các biện pháp đáp trả qua lại sẽ ảnh hưởng lớn đến cả công ty Hàn Quốc và Nhật Bản. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee hôm qua cũng cho rằng, bước đi của Nhật Bản đặt ra "mối đe dọa lớn" đối với nền kinh tế thế giới và gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Các biện pháp của Nhật Bản không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế hai nước mà còn ảnh hưởng đến trật tự thương mại thế giới và sự hợp tác với các nước thứ 3. Chúng tôi yêu cầu mạnh mẽ Nhật Bản rút lại các bước đi của mình đang đe dọa sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu”
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết đang kích hoạt các biện pháp đối phó với việc đưa vụ việc lên Tổ chức thương mại thế giới.
Các công ty Hàn Quốc cũng đang đưa ra các bước đi để giảm tác động do những giới hạn xuất khẩu của Nhật Bản. Samsung cho biết đang xem xét các biện pháp đối phó, trong khi Tập đoàn SK Hynix thông báo chỉ có thể đối phó với việc thiếu nguồn cung trong ngắn hạn nhưng sẽ là vấn đề lớn nếu lệnh cấm giới hạn của Nhật Bản kéo dài.
Theo Phạm Hà/ VOV.VN