Chỉ hoạt động chưa đầy ba năm, nhà máy nghiền xi-măng Đại Việt - Dung Quất buộc phải đóng cửa từ tháng 5-2015 đến nay vì người dân ngăn cản, không cho phương tiện ra vào chuyên chở vật tư, vật liệu. Doanh nghiệp (DN) đang dần đi đến phá sản, trong khi chính quyền Quảng Ngãi thờ ơ và bế tắc trong việc tìm hướng giải quyết.
Nhà máy xi-măng Đại Việt đã bị dừng hoạt động nhiều năm.
Người dân phải sống trong khu ô nhiễm
Nhà máy nghiền xi-măng Đại Việt - Dung Quất (xi-măng Đại Việt), tiền thân là dự án Nhà máy nghiền Clanh-ke Dung Quất, do Công ty cổ phần Xây dựng, Vật liệu và Đầu tư Đại Việt (nay là Công ty cổ phần Xi-măng miền trung) làm chủ đầu tư, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Triển khai xây dựng từ tháng 8-2009, nhà máy chính thức hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 6-2012. Tuy nhiên, từ tháng 5-2015 đến nay, nhà máy đã phải ngừng hoạt động do ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) Nguyễn Thanh Vũ cho biết: Vì nhà máy nằm sát khu dân cư đông đúc của thôn Sơn Trà, tiếng ồn và khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, vì thế người dân nhiều lần tụ tập, dựng lều, lán trại trước cổng nhà máy, ngăn cản không cho phương tiện ra vào. Đến tháng 5-2015, nhà máy chính thức ngừng hoạt động để cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết bị bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, từ đó đến nay nhà máy không hoạt động trở lại vì chưa được kiểm tra, đánh giá về môi trường, về hoàn thiện các hệ thống phụ trợ.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Lộc, vị trí xây dựng nhà máy xi-măng Đại Việt nằm trong khu quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007. Nhưng hiện tại, vẫn còn gần 2.000 hộ dân thuộc hai thôn Tây Hy và Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) đang sinh sống. Năm 2012, nhà máy xi-măng Đại Việt đi vào hoạt động, đồng thời Tập đoàn Sembcorp của Xin-ga-po triển khai dự án Nhiệt điện Sembcorp Dung Quất ngay cạnh nhà máy. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, tiến hành áp giá đền bù để chuẩn bị di dời dân, nhà máy Nhiệt điện Sembcorp Dung Quất đã dừng triển khai. Người dân trước đó đã chuẩn bị giải tỏa di dời, bỗng nhiên bị hủy bỏ, phải sống chung với khói, bụi, tiếng ồn… do sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng.
Ông Phạm Tấn Lộc, ở thôn Sơn Trà, nhà chỉ cách bờ tường nhà máy xi-măng Đại Việt chưa đầy 20 m, than phiền: Lẽ ra chính quyền tỉnh phải tổ chức di dời dân trước khi cấp đất xây dựng nhà máy, đằng này làm ngược lại, cho xây nhà máy trước, thành ra chúng tôi phải sống ngay trong khu công nghiệp (KCN), làm sao dân sống được. Cùng nỗi bức xúc, ông Phạm Nuôi và ông Nguyễn Thành Phương, người dân thôn Sơn Trà nói: Chúng tôi không biết bấu víu vào đâu, buộc lòng phải dựng lều trại ngăn cản nhà máy xi-măng hoạt động, với mong muốn là chính quyền quan tâm, giải quyết để người dân đi nơi khác trong thời gian sớm nhất, vì nhà xưởng, khu sản xuất của liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất cũng đang xây dựng rầm rộ, chỉ cách nhà dân vài chục mét. Các tuyến đường ra vào thôn quanh năm nắng bụi, mưa lầy.
Chính quyền bế tắc
Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Đàm Minh Lễ cho biết, đầu năm 2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 45/TB-VPCP, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu sớm giải quyết các vấn đề liên quan để nhà máy xi-măng Đại Việt hoạt động trở lại. Trong đó nêu rõ, khi quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư của DN, UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa đánh giá hết ảnh hưởng về môi trường khi có khu dân cư tồn tại trong KCN Dung Quất; các sở, ngành liên quan của tỉnh chưa kịp thời tham mưu, đề xuất để có phương án phù hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Để giải quyết dứt điểm kiến nghị, bảo đảm đời sống ổn định, lâu dài của các hộ dân đang sinh sống trong KCN, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi cần có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, không chỉ riêng đối với nhà máy xi-măng Đại Việt, mà còn các nhà máy khác một cách tổng thể. Về lâu dài, cần thực hiện di dời các hộ dân đến nơi ở mới theo quy hoạch… Việc di dời các hộ dân sẽ tạo thêm quỹ đất để các DN khác vào đầu tư nên cần có các giải pháp để thu hút đầu tư khu vực này…
Thời gian qua, Công ty cổ phần Xi-măng miền trung đã tiến hành các giải pháp khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường, bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi-măng QCVN 23: 2009/BTNMT và các quy định pháp luật có liên quan. Ngày 9-7-2018, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Ngãi và đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc và đánh giá công ty đã tiến hành cải tạo, nâng cấp sửa chữa, thay thế các công trình xử lý môi trường. Đồng thời yêu cầu công ty lập kế hoạch và vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của nhà máy, công khai kết quả cho người dân trong khu vực, làm cơ sở đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình, hoàn thành biện pháp bảo vệ môi trường để nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, người dân liên tục ngăn cản bằng việc dựng lều, lập rào chắn ngay trước cổng nhà máy. Giám đốc Nhà máy Xi-măng Đại Việt - Dung Quất Lưu Vũ Cầm bức xúc, nếu không có nguyên liệu, không chạy thử thì làm sao quan trắc về môi trường, làm sao khẳng định nhà máy gây ô nhiễm? Thực tế Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cố tình tránh né, dây dưa, không muốn tiến hành kiểm tra và kết luận việc khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường, quan trắc môi trường. Để có câu trả lời xác đáng, chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, nhưng khi thì ông bận họp, lúc đi công tác, khi thì bảo gặp cấp phó, nhưng cấp phó trả lời phải có chỉ đạo từ giám đốc. Hàng chục tin nhắn gửi đến Giám đốc Sở Đỗ Minh Hải cũng không được hồi âm.
Chia sẻ vấn đề ô nhiễm môi trường của nhà máy Xi-măng Đại Việt tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa 12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng khẳng định, việc đền bù và di dời các hộ dân ở khu vực nhà máy tốn kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tỉnh không có đủ nguồn kinh phí để thực hiện. Do đó, nếu nhà máy Xi-măng Đại Việt không khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường thì buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, việc người dân ngăn cản không cho nhà máy chạy thử để kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm, không ai đề cập hoặc đứng ra giải quyết.
Văn phòng Chính phủ đã ba lần có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, UBND xã Bình Đông có 20 báo cáo liên quan việc người dân tụ tập, ngăn cản nhà máy xi-măng Đại Việt hoạt động, chính quyền huyện Bình Sơn hàng chục lần tổ chức họp dân, đối thoại, lắng nghe…, nhưng mọi việc vẫn không thay đổi. Bế tắc vì dừng hoạt động bốn năm, nhà máy xi-măng Đại Việt ngày càng xuống cấp trầm trọng, lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu.
Theo THANH TÙNG/nhandan.com.vn