Theo phổ điểm thi chung của cả nước, điểm thi cao nhất là Giáo dục công dân với 7, 37 điểm, môn có điểm thi trung bình thấp nhất là Lịch sử, 4,3 điểm.
Ngày 14/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia 2019, phổ điểm thi các môn và phổ điểm thi theo một số tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng.
Nhiều ý kiến cho rằng, phổ điểm năm nay cho thấy đề thi có tính loại và phân hóa rõ ràng, đáp ứng được cả 2 nguyện vọng là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng của thí sinh.
Theo phổ điểm thi chung của cả nước, điểm thi cao nhất là Giáo dục công dân với 7,37 điểm, môn có điểm thi trung bình thấp nhất là Lịch sử, 4,3 điểm.
Từ 0h ngày 14/7, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã lần lượt công bố điểm thi của thí sinh trên cổng thông tin điện tử. Đến 7 giờ sáng nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công bố dữ liệu điểm thi của hơn 887.000 thí sinh cả nước.
Theo phổ điểm thi chung của cả nước mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, điểm thi trung bình cao nhất là ở môn Giáo dục công dân với 7,37 điểm, môn có điểm thi trung bình thấp nhất là môn Lịch sử, với 4,3 điểm.
Ở một số địa phương được coi là có truyền thống hiếu học như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Ninh Bình... thì phổ điểm thi các môn cao hơn phổ điểm thi trung bình của cả nước.
Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam- một trong những đơn vị công bố điểm thi từ lúc 0h hôm nay cho rằng, nói chung là Hà Nam kết quả thì điểm năm nay điểm trung bình cao so với cả nước.
Thí sinh vui tươi bước ra khỏi phòng thi THPT Quốc gia 2019.
“Môn tiếng Anh bằng trung bình trung cả nước, còn tất cả các môn đều cao hơn 0,5. Sở công bố trên website của Sở Giáo dục và Đào tạo và đã hướng dẫn học sinh chi tiết cách tra cứu. Trang web của Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nam thì đã chuẩn bị về vấn đề kỹ thuật cũng như đường truyền tốt nên không có hiện tượng nghẽn, học sinh vẫn tra cứu bình thường…”, ông Kiên nói.
Đánh giá về phổ điểm thi các môn thi, bài thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, một số ý kiến cho rằng, phổ điểm thi các môn phân tán tương đối rộng, có tính phân loại và độ phân hóa rõ ràng, đánh giá được năng lực của thí sinh, đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra của kỳ thi là vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Nhận xét về phổ điểm thi môn Toán, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy môn Toán, trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nhận xét: Trong kỳ thi với 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng thì phổ điểm minh họa rằng đề thi đã đáp ứng được cả 2 nguyện vọng và rất phù hợp với việc học, ôn và thi của thí sinh.
Với cách dạy và học môn Lịch sử không thu hút học sinh đã kéo dài từ nhiều năm nay thì điểm thi thấp cũng là điều tất yếu xảy ra.
“Quan sát phổ điểm chúng tôi thấy điểm phần cao từ 5,4 cho đến 7 điểm với một đường gần như nằm ngang có nghĩa là đa số học sinh đã đáp ứng được yêu cầu để xét tốt nghiệp và phần điểm cao từ 8-9 cũng ít dần, đặc biệt là những điểm sát 10. Theo đó thì việc tuyển sinh đại học cũng sẽ rất là thuận lợi mà không gây ra căng thẳng trong việc ôn thi cho học sinh”, thầy Trần Mạnh Tùng nhìn nhận.
Nhận định về điểm thi của môn Lịch sử và Ngoại ngữ đạt thấp, với phổ điểm nghiêng hẳn về phía điểm thấp, nhiều chuyên gia và giáo viên cho rằng điều này không gây bất ngờ vì đây là điều đã được dự đoán trước. Bởi lẽ trong những năm gần đây, điểm thi 2 môn này luôn ở mức thấp, thậm chí có năm ở mức cực thấp khiến xã hội lo lắng. Có nhiều lý do gây ra tình trạng điểm thi thấp.
“Hai môn này là đề thi chắc chắn là chưa sát với việc dạy, việc học, chưa ăn nhịp với nhau. Ví dụ như môn giáo dục công dân là môn không bó buộc mà nó tương đối mở, vì thế học trò học không bị khô cứng. Môn Lịch sử đáng lẽ cũng phải như vậy, Ngoại ngữ cũng thế, hỏi nhiều ngữ pháp quá cũng không phù hợp. Cách hỏi thi bây giờ phải làm sao phát huy trí thông minh của người ta là chính chứ không phải là đi kiểm tra học thuộc”, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội phân tích.
Một số ý kiến cũng cho rằng, đề thi chỉ là một nguyên nhân mà quá trình dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ ở trường phổ thông hiện nay chưa phù hợp mới là điều quyết định đến điểm thi của thí sinh. Riêng môn Lịch sử, lý do khiến học sinh không mặn mà với môn học này là do hiện nay không có nhiều ngành học ở bậc đại học, cao đẳng xét tuyển tổ hợp môn có môn Lịch sử.
Bên cạnh đó, nhiều thí sinh chọn thi tổ hợp môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) chỉ để xét tốt nghiệp nên cũng không dành nhiều thời gian ôn tập các môn thi thành phần trong đó có Lịch sử.
Với cách dạy và học môn Lịch sử không thu hút học sinh đã kéo dài từ nhiều năm nay thì điểm thi thấp cũng là điều tất yếu xảy ra.
Theo Minh Hường/VOV.VN