Điều khiến nhiều người bất ngờ đó là ở môn Ngữ văn, dù điểm thi trung bình tăng so với năm ngoái nhưng số thí sinh bị điểm liệt lại tăng gần gấp đôi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của hơn 887.000 thí sinh trên cả nước, phổ điểm thi các môn và phổ điểm thi theo một số tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đây là điều mà thí sinh và phụ huynh mong đợi. Tuy nhiên, bên cạnh điều đáng mừng là điểm trung bình các môn đều cao hơn năm trước thì vẫn còn những điều đáng nói vì một số môn có tỷ lệ điểm liệt, điểm thấp bất thường.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia năm 2019 tăng hơn năm trước. Hầu hết các môn có mức điểm trung bình ở ngưỡng 5 đến 6 điểm. Riêng 3 môn Lịch sử, tiếng Anh, Sinh học, điểm trung bình dưới 5 điểm.
Cả nước có 1.270 bài thi đạt điểm 10, hơn 3.000 bài thi bị điểm liệt. Môn thi có tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất là môn Lịch sử chiếm tới hơn 70%. Phổ điểm thi một số tổ hợp môn thi theo khối truyền thống cũng cao hơn năm 2018 từ 1 đến 2 điểm, không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối- 30 điểm ở các khối thi, chỉ có 5 thí sinh đạt gần 30 điểm.
Nhận xét về điểm thi năm nay, GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học và sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Với phổ điểm năm nay thì chúng tôi thấy rất là khả quan, vì thứ nhất là nó phản ánh tỷ lệ những em bị điểm liệt, cũng như tỷ lệ những em đạt điểm trung bình từ 5-6 và những em đạt từ 8 trở lên phản ánh rất là tốt. So với điều chúng tôi nắm được hiện nay thì nó phản ánh thực trạng của học sinh trung bình, khá và giỏi năm nay không quá đột biến. Đề thi thì năm nay phổ điểm cho thấy đề thi có sự điều chỉnh tốt hơn so với năm ngoái".
Năm nay, điểm môn Lịch sử và Ngoại ngữ ở mức thấp và 70% bài thi môn Lịch sử có điểm dưới trung bình không gây nhiều bất ngờ vì các chuyên gia, giáo viên đã dự đoán được từ trước. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ đó là ở môn Ngữ văn, dù điểm thi trung bình tăng so với năm ngoái nhưng số thí sinh bị điểm liệt lại tăng gần gấp đôi so với năm ngoái (với 1.265 bài thi), trong khi năm ngoái là 783 bài thi bị điểm liệt.
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho rằng: "Đề văn năm nay không phải là một đề đánh đố, không hề khó, với những em chỉ cần học trung bình có thể được 5-6 điểm, những học sinh yếu cũng được khoảng 3 điểm. Nếu điểm liệt nhiều như vậy, tôi thấy thực sự bất ngờ. Có lẽ là chúng ta cần đi tìm câu trả lời cho vấn đề này. Phải chăng là một bộ phận nào đó trong học sinh đã quay lưng với môn Văn"?
Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến bài thi môn Ngữ văn bị điểm liệt tăng như yêu cầu của đề chưa rõ ràng. Bên cạnh đó cũng không loại trừ nguyên nhân là hướng dẫn chấm quá chi tiết khiến học sinh dễ bị mất điểm nếu giám khảo áp dụng máy móc: "Ví dụ như câu hỏi số 4 của phần đọc hiểu là hành trình đi đến khát vọng của con người đưa đến cho anh chị suy nghĩ gì. Trong đáp án đưa ra một số suy nghĩ, là hành trình vất vả, khó khăn thể hiện ý chí mạnh mẽ của con người nhưng trong hướng dẫn chấm thì có 2 ý, mỗi ý nửa điểm. Ý thứ nhất là nói về hành trình của khát vọng, ý thứ 2 là nói về suy nghĩ của anh chị. Thật ra là hướng dẫn chấm theo tôi là không hợp lý, bởi vì học sinh chỉ nói về suy nghĩ của nó về hành trình thôi. Trong hướng dẫn chấm các thầy cô mà máy móc lại tách ra, thật ra thì không thể không máy móc ở trong trường hợp này cho nên học sinh mất điểm rất nhiều", cô Tuyết phân tích.
Con số 1265 bài thi môn Ngữ văn bị điểm liệt cũng không phải là quá lớn, nhưng lại khiến nhiều người đặt câu hỏi vì năm nay số bài thi bị điểm liệt của các môn thi đều ở mức thấp. Hai môn có số bài thi bị điểm liệt cao trong kỳ thi năm 2018 là Lịch sử với 1277 bài thi và Ngoại ngữ là 2189 bài thi thì năm nay giảm xuống chỉ còn lần lượt là 395 và 630 bài thi. Đây là điều mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tìm hiểu, xem xét lại./.
Theo Minh Hường/VOV.VN