Trong nửa đầu năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, với 1.676,8 triệu USD, chiếm 22,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước Đông Bắc Á liên tục chảy vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Vốn FDI từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6/2019, Việt Nam thu hút 1.723 dự án FDI cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, tăng 26,1% về số dự án và giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 628 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.935,4 triệu USD, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 10.347,2 triệu USD, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.676,8 triệu USD, chiếm 22,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc (1.239,2 triệu USD), Nhật Bản (972 triệu USD), Hong Kong (Trung Quốc), Singapore...
Phát biểu tại buổi tọa đàm về vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam diễn ra tại Hà Nội chiều nay (22/7), PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR nhận định, dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào Việt Nam tăng qua từng năm, song còn chiếm tỉ trọng tương đối nhỏ so với các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lại gây ra nhiều hệ quả về môi trường, xã hội, thị trường lao động,...
TS. Thành cũng cho rằng, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức tổng thầu EPC sẽ gây ra nhiều hệ lụy về dài hạn cho Việt Nam như vấn đề tham nhũng, tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế.
Do đó, Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động đầu tư của FDI và hoạt động khác liên quan như môi trường, lao động di cư, bảo vệ môi trường, khai thác các nguồn tai nguyên một cách bền vững..., Viện trưởng VEPR lưu ý./.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN