Chi phí cho những vi phạm dữ liệu đã tăng 12% trong năm năm qua, trung bình đạt 3,92 triệu USD. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin tạo ra động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng làm nảy sinh những nguy cơ về lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm mạng lợi dụng tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Chi phí cho vi phạm dữ liệu đang ngày càng gia tăng.
Vi phạm dữ liệu có thể làm tổn hại về tài chính cho một tổ chức, nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp dữ liệu làm ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng cũng như những vấn đề về điều tra pháp lý và nỗ lực để phục hồi dữ liệu. Do đó, chi phí tài chính cho vấn đề vi phạm dữ liệu có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo một nghiên cứu của hãng IBM Security, trong năm năm qua, chi phí dành cho vi phạm dữ liệu đã tăng 12% và hiện mỗi doanh nghiệp phải chịu thiệt hại trung bình khoảng 3,92 triệu USD. Chi phí tăng do nhiều yếu tố khác nhau như: tác động tài chính kéo dài nhiều năm do vi phạm gây ra, những quy định ngày càng tăng và thách thức trong việc giải quyết các cuộc tấn công bởi tội phạm mạng.
IBM Security cho biết, đã khảo sát với hơn 500 công ty trên toàn thế giới mà đã bị ảnh hưởng bởi vi phạm dữ liệu trong năm qua. Phân tích tổng thể trong đó có hàng trăm yếu tố chi phí khác nhau, bao gồm cả chi phí về pháp lý, nhu cầu pháp lý, hoạt động kỹ thuật, vấn đề về sở hữu thương hiệu, mất khách hàng và ảnh hưởng đến năng suất của nhân viên.
Tác động đến tài chính bởi một vi phạm dữ liệu có thể tàn phá hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Nghiên cứu cho thấy rằng, các tổ chức dưới 500 nhân viên thường bị thiệt hại trung bình khoảng 2,5 triệu USD, một con số khá lớn đối với các doanh nghiệp có doanh thu trung bình hằng năm là 50 triệu USD.
Các khoản chi phí gây ra bởi các vi phạm dữ liệu không chỉ đơn giản là biến mất sau một vài tháng hoặc một năm. Nghiên cứu cho thấy trung bình có 67% chi phí do vi phạm dữ liệu phát sinh trong năm đầu tiên, 22% được tích lũy trong năm thứ hai và 11% khác sau hơn hai năm sau khi vi phạm.
IBM cũng đã phân tích tác động tài chính từ các hành vi vi phạm gây ra bởi các tác nhân độc hại (như mã độc hay ransomware…) và tội phạm mạng so với các tác nhân gây ra bởi lỗi hệ thống và lỗi của con người. Vi phạm do tác nhân độc hại chiếm 51% tổng số các vi phạm được kiểm tra trong nghiên cứu này, trong khi những vi phạm phát sinh từ trục trặc kỹ thuật và lỗi của con người chiếm 49%. Tuy nhiên, các vi phạm độc hại này khiến các doanh nghiệp tốn kém hơn nhiều về tài chính, trung bình khoảng 4,45 triệu USD. Vi phạm gây ra bởi các trục trặc hệ thống và do lỗi của con người khiến các doanh nghiệp thiệt hại lần lượt là 3,5 triệu USD và 3,24 USD.
Trên toàn cầu, các vi phạm dữ liệu ở Mỹ cao nhất với mức giá vào khoảng 8,19 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của các quốc gia khác. Các tổ chức ở Trung Đông cũng bị ảnh hưởng bởi số lượng hồ sơ vi phạm trung bình cao nhất khoảng gần 40 nghìn hồ sơ cho mỗi sự cố, so với mức trung bình trên toàn cầu khoảng 25.500 hồ sơ. Các tổ chức chăm sóc sức khỏe được khảo sát trong nghiên cứu phải chịu chi phí ở mức cao nhất trung bình gần 6,5 triệu USD, cao hơn 60% so với các ngành công nghiệp khác.
Ông Wendi Whitmore, Trưởng nhóm toàn cầu về Dịch vụ tình báo và ứng phó sự cố X-Force của IBM cho biết, với các tổ chức phải đối mặt với việc mất hoặc bị đánh cắp hơn 11,7 tỷ hồ sơ chỉ trong vòng ba năm qua, các doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ, đầy đủ đến tác động về tài chính do vi phạm dữ liệu có thể gây ra và tập trung vào các biện pháp để làm thế nào có thể giảm thiểu các chi phí này.
Vi phạm dữ liệu hay rò rỉ dữ liệu vẫn là mối đe dọa cho bất kỳ doanh nghiệp nào và chi phí tài chính cho vấn đề này có thể là rất lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải có những hành động ngay từ bây giờ để có thể giảm bớt các thiệt hại về tài chính như: hợp tác giữa ngành tài chính - ngân hàng, cơ quan nhà nước và chính phủ điện tử với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp sở hữu và vận hành công nghệ thông tin, các nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp nội dung trên internet, các nhà nghiên cứu và sản xuất các giải pháp bảo mật… cần được tăng cường nhằm huy động tiềm lực và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo mật dữ liệu và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Theo nhandan.com.vn