Cập nhật: 27/07/2019 08:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến nay, huyện Sông Mã (Sơn La) đạt diện tích 6.736 ha nhãn, sản lượng gần 30.000 tấn, lớn gấp rưỡi diện tích nhãn tỉnh Hưng Yên và trở thành vùng trồng lớn nhất cả nước. Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng này, hằng năm, huyện Sông Mã tổ chức ngày Hội nhãn Sông Mã. Những ngày này, vùng nhãn đang rất sôi động, chính quyền, người dân cùng các HTX, doanh nghiệp chung tay nâng giá trị quả nhãn.

Ngày hội nhãn Sông Mã Năm 2018.

Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Lê Thị Yến, cho biết: Vụ nhãn năm nay đang có nhiều tín hiệu tích cực, bà con nhân dân rất phấn khởi vì được mùa, được giá. Năm nay, nhãn Hưng Yên không được mùa nên thương lái đang dồn đến Sông Mã đặt hàng với giá cao hơn mọi năm.

Để chuẩn bị cho vụ thu hoạch và ngày hội nhãn năm nay, UBND huyện đã sớm triển khai kế hoạch số 912/KH-UBND ngày 5-10-2018 về tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Dự kiến tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 19.000 tấn, xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Trung Quốc khoảng 6.000 tấn. Với giống nhãn chín sớm, từ đầu vụ đến nay toàn huyện đã thu hoạch trên 1000 tấn, giá đầu vụ lên tới 50 - 60 nghìn đồng/kg. Chính vụ, dự báo giá sẽ ổn định từ 25.000 đồng/kg trở lên, với mức giá này, bà con nông dân huyện Sông Mã đã coi là vụ mùa thắng lớn…

Để có được vùng trồng nhãn phát triển như hiện nay, cây nhãn Sông Mã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Giai đoạn từ năm 1961, khi hàng nghìn hộ nông dân tỉnh Hưng Yên đi khai hoang phát triển kinh tế văn hóa miền núi đã mang giống nhãn lồng Hưng Yên lên trồng dọc hai bên bờ sông Mã. Hiện nay, còn một cây nhãn tổ ở bản Hương Sơn, xã Nà Nghịu, thân cây hai người ôm, tán rộng 50 mét, thu hoạch có năm tới gần hai tấn quả.

Cách đây 20 năm, nhãn Sông Mã đã nổi tiếng, diện tích lên tới 4.000 ha, nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn, nên diện tích nhãn giảm dần. Cách đây 5 năm, nhờ một số hộ nông dân đi đầu trong việc áp dụng kỹ thuật mới, ghép giống nhãn Miền Thiết mang từ tỉnh Hưng Yên lên, cây nhãn nhanh chóng phát triển trở lại. Đặc biệt, ba năm trở lại đây, HĐND tỉnh Sơn La và huyện Sông Mã đã có chính sách cụ thể hỗ trợ mỗi hộ nông dân 200.000 đồng ghép nhãn giống mới, cải tạo vườn tạp, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Từ gốc nhãn cũ, người ta thực hiện ghép mắt giống nhãn Miền Thiết, chỉ sau hai năm đã cho thu hoạch trở lại, quả nhãn to, năng suất cao, hiệu quả nâng lên rõ rệt.

Để hỗ trợ người dân, năm 2106 huyện đã phân bổ kinh phí 600 triệu đồng hỗ trợ 15 HTX chuyển đổi sản xuất. Năm 2017, hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nông dân ở 19 xã trong vùng trồng nhãn của huyện cải tạo vườn tạp, với kinh phí tới 3.612 triệu đồng; hỗ trợ các HTX 1.420 triệu đồng đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và sản xuất hữu cơ; UBND huyện phối hợp với các cơ quan Viện nghiên cứu rau quả Trung ương, Cục Bảo vệ thực vật... triển khai các bước xây dựng thương hiệu cho thương hiệu nhãn Sông Mã. Cách đây hai năm, vào ngày 21-6-2017 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy “Nhãn hiệu chứng nhận nhãn Sông Mã”, mở ra bước phát triển mới cho cây trồng có thế mạnh ở huyện miền núi biên giới Sông Mã.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, một trong những nguyên nhân chính cây nhãn Sông Mã trở nên nổi tiếng, bởi vùng đất này đã được thiên nhiên ưu đãi, đất pha cát bồi từ dòng sông Mã, cùng với khí hậu nóng ẩm rất thích hợp cho cây nhãn phát triển. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, từ quy hoạch vùng trồng đến lựa chọn giống tốt, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên quả nhãn Sông Mã đã có sự khác biệt với nhãn nhiều nơi khác. Quả nhãn ở đây to, vỏ mỏng, cùi dày, hạt nhỏ và đặc biệt ngọt dịu, thơm ngon khiến người tiêu dùng rất thích. Trong lần tổ chức Tuần lễ nhãn và nông sản Sơn La tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tại số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy (Hà Nội) năm 2018, nhiều người dân ngỡ ngàng trước quả nhãn Sông Mã to, ngon, sạch, bảo đảm an toàn. Một xe ô tô hơn ba tấn nhãn quả đã được bán hết ngay trong ngày đầu tiên. Từ đó đến nay, nhãn Sông Mã đã được người tiêu dùng trong nước biết đến và đang vươn xa xuất khẩu sang nhiều nước. Trong đó, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ tiềm năng, rất ưa chuộng mẫu mã, chất lượng quả nhãn Sông Mã.

Chuẩn bị cho vụ tiêu thụ nhãn năm này, UBND huyện đã chủ động kết nối, mời gọi các doanh nghiệp tham gia cùng các HTX trong huyện liên kết tổ chức chương trình xuất khẩu nhãn. Trong đó, công ty CP Tập đoàn UnssitT có trụ sở TP Hồ Chí Minh cũng tìm đến tìm hiểu, cam kết tiêu thụ sản phẩm nhãn. Đại diện công ty cho biết, nếu các HTX cam kết sản xuất đúng theo tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm chất lượng thì mỗi năm công ty có thể tiêu thụ khoảng 15 đến 20 nghìn tấn nhãn, chiếm ½ sản lượng nhãn cho vùng nhãn Sông Mã. Hiện nay các công ty TNHH MTV Thanh Tùng, công ty CP thương mại Duy Khánh, công ty TM&XNK GreenPath, công ty TNHH Agricare Việt Nam, v.v… đã tích cực cùng địa phương chuẩn bị tốt cho vụ thu hoạch nhãn đang vào chính vụ.

Giám đốc HTX Hưng Lộc Trần văn Lộc, ở vùng trồng nhãn xã Chiềng Khương, với 23 thành viên, trong đó, tám thành viên là hộ đồng bào dân tộc, canh tác 41 ha nhãn, sản lượng ước đạt 550 tấn quả. Anh cho biết: Từ ngày có HTX, mọi quy trình sản xuất, chăm sóc, tiêu thụ các thành viên đều tận tình chỉ bảo cho nhau. Do áp dụng quy kỹ thuật chăm sóc mới nên diện tích nhãn của HTX có sự khác biệt so với nhãn của các hộ dân còn lại. Mới vào đầu vụ, nhãn chưa chín đẫy một số hộ trong xã đã vội thu hoạch bán cho tư nhân giá cao. Nhưng HTX xác định với nhau phải giữ vườn nhãn chín đến độ mới thu hoạch, như thế quả nhãn đến với người tiêu dùng mới bảo đảm chất lượng. Bây giờ, muốn làm ăn bền vững, lâu dài thì không thể khác là phải quan tâm đến chất lượng, bảo đảm sản xuất an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sông Mã Lường Văn Vịnh cho biết: Giai đoạn vừa qua huyện tập trung quy hoạch lại vùng trồng nhãn, cải tạo vườn tạp, hỗ trợ các hộ dân ứng dụng các tiến bộ khoa học vào chăm sóc, nâng cao chất lượng quả nhãn. Thời gian qua, huyện cũng đã triển khai nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giai đoạn tiếp theo tới đây, một mặt tổ chức tốt sản xuất, bảo đảm tiêu thụ ổn định, nâng cao mức sống và làm giàu cho người dân trồng nhãn thì huyện chú trọng khuyến cáo các hộ dân và các HTX chuyển mạnh sang trồng nhãn quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, sản xuất nhãn theo hướng hữu cơ, mở rộng diện tích nhãn bảo đảm chất lượng cho xuất khẩu sang thị trường cạnh tranh cao.

Những việc làm bài bản, xác định sản xuất bền vững đang đưa cây nhãn Sông Mã đi đúng hướng. Với một địa bàn có 34.000 hộ nông dân, 17 HTX chuyên canh trồng nhãn, dự kiến đến năm 2020 Sông Mã sẽ đạt khoảng 7500 ha, đây sẽ là vùng trồng nhãn lớn nhất cả nước. Thương hiệu nhãn Sông Mã sẽ đến với người tiêu dùng và còn vươn xa trên thị trường trong thời gian tới.

BÀI VÀ ẢNH: ĐỨC TUẤN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm