Cập nhật: 07/08/2019 10:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tỷ giá VND/USD đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên NHNN vẫn còn dư địa để điều hành trước diễn biến mới của đồng NDT.

Lần đầu tiên, dưới sức ép gia tăng của cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã có động thái phá giá đồng nội tệ, khiến tỉ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng đô la Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua - ở mức 7 NDT/USD.

Việc Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ được coi là biện pháp trả đũa việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD. (Ảnh minh họa: CNBC)

Một vấn đề được đặt ra là quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, do đó, việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc sẽ tác động đến thương mại hai nước.

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, tác động của việc Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ lần này đến thương mại hai nước là không đáng quan ngại.

TS. Lực phân tích: Tuy kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, chỉ có một số nhỏ hợp đồng kinh tế giao dịch bằng đồng NDT, mà với hợp đồng này về cơ bản hai bên đã chốt giá với nhau trước đó.

Nếu đồng NDT giảm nhiều, trong khi đồng USD tăng thì lại có lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi quy đổi từ đồng USD sang Nhân dân tệ thì doanh nghiệp sẽ được lợi ích cao hơn, ông Lực nêu rõ.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, cần đánh giá tác động cả về mặt tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp Việt trong bối cảnh có nhiều rủi ro như hiện nay. Từ đó, có những chính sách tốt hơn, truyền thông tốt hơn về vấn đề này.

Còn theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu NDT giảm giá quá mạnh, nhiều công ty Việt nhìn thấy biên lợi nhuận cao sẽ chuyển sang mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để bán vào nội địa thay vì tập trung đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.

Khi chiến tranh thương mại leo thang và kéo dài, tỉ giá NDT/USD giảm mạnh, tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Bởi hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh lớn hơn cũng như tạo nên sức ép tỉ giá đồng Việt Nam và USD, TS. Hiếu lưu ý.

Trong cách thức tính tỷ giá của Ngân hàng nhà nước hiện nay, tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ gồm các đồng tiền chủ như: USD, EUR, JPY, CNY, SGD.... Trong đó, đồng Nhân dân tệ là một trong những phương tiện giao dịch trong thương mại đầu tư lớn nhất với Việt Nam, cho nên sự phá giá của đồng tiền này sẽ tác động đáng kể tới chính sách tỷ giá của Việt Nam.

Trong báo cáo phân tích hàng, các chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trên thị trường quốc tế, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc phiên ngày 5/8 đã bất ngờ giảm mạnh 1,3% so với USD, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 CNY/USD kể từ năm 2009.

"Ngưỡng 7 NDT/USD được giới đầu tư đánh giá là một ngưỡng cản tâm lý mang tính nhạy cảm và đã được giữ ngay cả khi xung đột thương mại Mỹ-Trung bùng phát với đợt áp thuế đầu tiên của Mỹ vào tháng 6 năm ngoái", báo cáo của BVSC nêu rõ.

Với Việt Nam, tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên NHNN vẫn đang còn khá nhiều dư địa để điều hành trước diễn biến mới của đồng NDT.

BVSC cho rằng, dù có thể chịu sức ép giảm giá theo NDT nhưng NHNN sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Tệp đính kèm