Cập nhật: 16/08/2019 15:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thương chiến Mỹ-Trung Quốc leo thang sau tuyên bố phá giá đồng NDT khiến nhiều người quan ngại, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam.

Thời gian gần đây, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) để giảm thiểu tác động xấu từ việc đánh thuế của Mỹ đã khiến thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, tốc độ tăng trưởng thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, phá giá đồng NDT cũng là một biện pháp đánh thuế. Ví dụ, Mỹ đánh thuế 10% mà Trung Quốc phá giá 5% thì mức thuế của Mỹ chỉ còn tác động 5%.

Điều đáng nói, động thái này của Trung Quốc không chỉ tác động đến quan hệ song phương với Mỹ mà còn tác động đến quan hệ với nhiều đồng tiền, nhiều thị trường là đối tác thương mại của Trung Quốc. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này.

Thương chiến Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)

Chuyên gia tài chính-ngân hàng Bùi Quang Tín nhận định, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là một cuộc đối đầu chiến lược toàn diện, lâu dài, sẽ không chỉ dừng lại ở cuộc chiến tranh thương mại hàng hóa. Đến nay, cuộc chiến này đã đã mở rộng và “chuyển hóa” thành cuộc chiến tranh tiền tệ. Trung Quốc đã phá giá đồng NDT và có thể sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền này chứ không chỉ dừng lại ở mức 7,02 CNY/USD, trong tương lai có thể lên tới 7,2 CNY/USD.

Theo TS. Bùi Quang Tín, cuộc thương chiến Mỹ-Trung liên quan nhiều đến vấn đề về lãi suất, tỷ giá, các quan hệ cấp dòng vốn trên thị trường tài chính. Riêng về lãi suất, cuộc chiến này đã “góp sức” hạ lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Tới đây, ở góc độ chính sách điều hành của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thì nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục phá giá đồng NDT, tiếp tục giảm lãi suất. Điều này sẽ tác động đến tỷ giá của VND/USD, từ đó gây áp lực lên lãi suất của Việt Nam.

“Từ nay đến cuối năm, tỷ giá, lạm phát sẽ phải chịu áp lực rất lớn, đặc biệt về năng lực cạnh tranh lãi suất. Nếu như hiện nay các nước giảm lãi suất thì sẽ không tác động nhiều tới lãi suất của Việt Nam mà ảnh hưởng nhiều đến việc điều hành lãi suất của Việt Nam cũng như tỷ giá, hạn mức cấp tín dụng. Điều này tạo áp lực lớn cho việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN”, TS. Bùi Quang Tín cho hay.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh quan ngại, với việc phá giá đồng NDT, hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ hơn rất nhiều và sẽ đổ bộ vào Việt Nam, chiếm lĩnh thị phần của hàng hóa nội địa. Đây sẽ là lực đẩy vô hình, đẩy hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam ra khỏi thị trường trong nước, nhường chỗ cho hàng hóa nước ngoài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế trong nước mà còn làm giảm thu nhập và giảm công ăn việc làm của người lao động Việt Nam.

Trước tình hình không mấy lạc quan của cuộc thương chiến Mỹ-Trung Quốc với những diễn biến khó lường, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần theo dõi sát sao, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hàng qua biên giới của Trung Quốc, rất có thể họ sẽ sử dụng biện pháp biên mậu để đẩy hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt. Do đó, các doanh nghiệp cần tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa; Về phía các nhà điều hành chính sách, cần giữ ổn định VND và phải phản ứng một cách uyển chuyển, linh hoạt trước những biến động của thị trường tài chính thế giới, trong đó có đồng NDT./.

Theo Chung Thủy/VOV.VN

Tệp đính kèm