Do phân cấp quản lý nên vẫn còn tồn tại những cơ sở sản xuất bánh Trung thu giá rẻ “chui” hoặc không thể kiểm soát được nguồn hàng sản xuất ở địa phương khác tuồn về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Bánh trung thu 4 không: không nhãn mác, xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng bán tại chợ Nhị Thiên đường, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Là sản phẩm truyền thống đặc trưng mỗi khi mùa Trung thu về, bánh Trung thu ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để thưởng thức, biếu tặng.
Tuy nhiên, bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng, thị trường bánh Trung thu hiện vẫn đang tồn tại những sản phẩm không rõ nguồn gốc, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và khiến người tiêu dùng bất an.
Tràn lan bánh Trung thu “4 không”
Mặc dù không còn “ồ ạt” như những năm trước nhưng năm nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bánh Trung thu giá rẻ vẫn được bày bán khá nhiều tại các chợ nhỏ, lẻ, cửa hàng tạp hóa, lề đường, nhất là ở khu vực ngoại thành, khu vực đông công nhân lao động.
Tại một cửa hàng tạp hóa ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, bánh nướng, bánh dẻo được bán với giá 8.000 đồng/chiếc. Tương tự, tại chợ Nhị Thiên Đường, Quận 8, bánh Trung thu có giá từ 8.000-10.000 đồng/chiếc được bày bán nhiều tại lề đường xung quanh chợ. “Cao cấp” hơn là bánh Trung thu nhân thập cẩm, trứng muối có giá từ 20.000-25.000 đồng/chiếc.
Theo quan sát của phóng viên, bánh Trung thu lề đường chuẩn “4 không”: Không nhãn mác, không thành phần, không ngày sản xuất và không hạn sử dụng. Việc bao gói sản phẩm cũng khá sơ sài, thậm chí một vài chiếc bánh dẻo có dấu hiệu bị mốc trắng. Mặc dù vậy, người bán hàng vẫn giới thiệu “bánh bán rất chạy và nhiều trẻ em rất thích.”
"Thời gian qua, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân về một số điểm bán bánh Trung thu không rõ nguồn gốc giá rẻ xung quanh chợ An Đông, Quận 5. Tuy nhiên, nhiều lần đoàn liên ngành kiểm tra thì người bán đã nhanh chân chạy mất, xóa dấu vết. Chúng tôi đã yêu cầu Ban quản lý Chợ An Đông kiểm soát chặt chẽ hơn việc bán bánh trung thu tự phát này," bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
Cũng theo bà Lan, nhằm kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh Trung thu, từ hai tháng trước, đơn vị này đã triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này trên toàn địa bàn thành phố: “Đối với các cơ sở sản xuất, chúng tôi kiểm tra, yêu cầu quy trình, dây chuyền sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn như dây chuyền sản xuất một chiều, dụng cụ không được cáu bẩn, không để nguyên liệu ở nơi dễ nhiễm khuẩn, khu vực sản xuất không được có ruồi, muỗi, côn trùng, vật nuôi...”
Ngoài ra, đơn vị này cũng kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ, lấy mẫu kiểm nghiệm nguyên liệu sản xuất bánh trung thu như bột, trứng, đậu, lạp xưởng...
Một điểm bán bánh trung thu truyền thống trên đường Cách mạng Tháng 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tuy nhiên, bà Lan thừa nhận do phân cấp quản lý nên vẫn còn tồn tại những cơ sở sản xuất bánh Trung thu giá rẻ “chui” hoặc không thể kiểm soát được nguồn hàng sản xuất ở địa phương khác tuồn về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Bát nháo bánh Trung thu online, nhà làm
Song song với các điểm bán bánh Trung thu truyền thống được địa phương cấp phép, những năm gần đây, bánh Trung thu cũng được tiêu thụ mạnh trên “chợ online.”
Để cạnh tranh với các thương hiệu truyền thống nổi tiếng, thị trường bánh Trung thu online lại hướng đến sản phẩm mới, lạ, độc đáo để thu hút người mua.
Năm nay, hút khách nhất trên thị trường bánh trung thu online phải kể đến sản phẩm bánh trung thu trứng muối tan chảy được giới thiệu có xuất xứ từ Hong Kong (Trung Quốc). Chỉ từ 125.000-150.000 đồng/hộp 6 chiếc, cùng với nhân trứng muối tan chảy đặc trưng, sản phẩm này đang làm mưa làm gió thị trường bánh Trung thu online.
Là tín đồ của bánh trung thu trứng muối, nên khi thấy nhiều người rao bán bánh Trung thu trứng muối tan chảy, chị Trần Nguyễn Giao Linh (ngụ Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) đã mua về ăn thử và “ghiền” luôn loại bánh này. Dù khá lo lắng về nguồn gốc, xuất xứ cũng như an toàn thực phẩm, nhưng chị Linh vẫn “tặc lưỡi” trước sức hút của loại có nhân mềm đặc trưng này.
Một phân khúc thị trường cũng thu hút người tiêu dùng không kém là bánh Trung thu nhà làm. Phong trào bánh Trung thu “handmade” nở rộ từ mấy năm nay và ngày càng có xu hướng mở rộng hơn. Sự tin tưởng lẫn nhau giữa người quen, bạn bè là chìa khóa khiến loại hình này ngày càng phát triển.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, lại không đồng tình với phong trào này. Theo bà Lan, bánh nhà làm chỉ nên sử dụng trong quy mô nhỏ là gia đình không nên buôn bán, kinh doanh rộng rãi bởi nếu chỉ sản xuất vài chục cái bánh thì có thể đảm bảo yếu tố an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, khi sản xuất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chiếc bánh thì những xưởng sản xuất tự phát này sẽ không đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận hiện nay Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thể kiểm soát được thị trường bánh Trung thu online và bánh Trung thu nhà làm. Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm đối với phân khúc này đang bị thả nổi.
Bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe của người thân, gia đình, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn, sử dụng bánh Trung thu. Người dân nên lựa chọn bánh có thương hiệu, nguồn gốc, phân phối ở những địa điểm được cấp phép và tránh xa các loại bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ bởi nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm./.
Theo TTXVN/Vietnam+
https://www.vietnamplus.vn/nguoi-tieu-dung-bat-an-voi-banh-trung-thu-khong-ro-nguon-goc/592856.vnp