Cập nhật: 02/09/2019 08:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 31-8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND huyện đảo Lý Sơn tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm để xây dựng phương án bảo tồn các khối san hô hóa thạch; đồng thời xây dựng, tạo điểm đến để phục vụ việc nghiên cứu địa chất, địa mạo và phát triển du lịch trên đảo Lý Sơn.

Di sản san hô hóa thạch trên đảo Lý Sơn.

Năm 2017, trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phát hiện các khối san hô hóa thạch hình cối xay có niên đại khoảng 5.000 đến 6.000 năm, được phân bố ven bờ biển tại khu vực Hang Cau - vũng Mù Cu. Đây là những hóa thạch san hô độc đáo, chưa từng thấy ở Việt Nam, có giá trị đặc biệt để nghiên cứu về địa chất, địa mạo và phát triển du lịch ở Lý Sơn. Tuy nhiên, di sản san hô hóa thạch đứng trước nguy cơ bị xâm hại nên các nhà khoa học kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương bảo tồn di sản quý giá này.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng, việc phát hiện các khối hóa thạch san hô hình cối xay có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt khoa học. Vì vậy, phải thực hiện ngay biện pháp bảo vệ, phục vụ nghiên cứu, củng cố hồ sơ, đồng thời tìm giải pháp khả thi, hiệu quả để khai thác, phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho rằng, với nhiều cảnh đẹp vẻ hoang sơ, kỳ vĩ; nhiều di tích văn hóa, lịch sử gắn liền với lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên trong những năm gần đây, Lý Sơn trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Do vậy, việc các nhà khoa học phát hiện di sản hóa thạch san hô chứng tỏ đảo Lý Sơn là một bảo tàng sống động với các di sản địa chất - địa mạo thuộc vào loại kỳ vĩ của thế giới.

TIN, ẢNH: HIỂN CỪ

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm