Sáng 5/9, hơn 22 triệu trẻ mầm non, học sinh phổ thông sẽ cùng hân hoan đón chào ngày khai giảng năm học mới 2019 - 2020, cũng là Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Dịp này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội... sẽ đến dự khai giảng, khích lệ, động viên thầy trò nhiều trường học trên cả nước, thể hiện sự quan tâm đối với sự nghiệp giáo dục – quốc sách hàng đầu.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: VA
Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Chương trình khai giảng có các nghi thức: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Khai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Bộ GD&ĐT đã lưu ý không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường, bảo đảm sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường. Chỉ đạo cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau Lễ Khai giảng; ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường trong cả năm học, bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện của nhà trường. Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh.
Trong năm học mới này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ thị toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản trong năm học 2019 - 2020. Đây là những nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã được toàn ngành triển khai xuyên suốt trong 3 năm qua, căn cứ tình hình cụ thể, mỗi năm sẽ có những hoạt động trọng tâm để triển khai thực hiện theo hướng đảm bảo chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục ở từng bậc học.
9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
5 nhóm giải pháp cơ bản bao gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.
Để triển khai hiệu quả Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ GDĐT căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể của đơn vị; tổ chức hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch năm học, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Giám đốc các sở GD&ĐT căn cứ nhiệm vụ, giải pháp và tình hình thực tiễn của địa phương, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2019 - 2020 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm học; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2019 - 2020; báo cáo Bộ GDĐT kết quả sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học.
Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp năm học 2019 - 2020. Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan quản lý giáo dục các cấp; nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, dự báo quy mô học sinh năm học 2019 – 2020, cả nước có khoảng 5.517.000 trẻ mầm non, trong đó trẻ nhà trẻ là 932.000, mẫu giáo là 4.585.000 em. Giáo dục phổ thông có 17.055.000 học sinh, gồm 8.660.000 học sinh tiểu học, 5.550.000 học sinh trung học cơ sở và 2.599.000 học sinh trung học phổ thông. Riêng quy mô đại học chính quy đạt 1.518.986 sinh viên./.
Theo Mỹ Anh
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam