Thực hiện kế hoạch 1919 của UBND tỉnh về giải tỏa các vi phạm hành lang giao thông, lập lại trật tự kỷ cương an toàn giao thông, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tích cực vào cuộc, tổ chức nhiều đợt ra quân giải tỏa các vi phạm. Tuy nhiên, cứ sau mỗi đợt ra quân giải tỏa ở một số địa phương lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, gây ra nhiều khó khăn cho công tác duy trì trật tự kỷ cương an toàn giao thông. Thực trạng này, đặt ra cho chính quyền các địa phương cần có giải pháp kiên quyết hơn nữa trong giải tỏa các vi phạm hành lang giao thông.
Hàng trăm tấm biển quảng cáo và nhiều vật dụng vi phạm khác được UBND thị trấn Yên Lạc thu giữ sau mỗi đợt ra quân giải tỏa hành lang giao thông. Có một thực tế đang diễn ra ở địa phương này là cứ sau mỗi đợt ra quân giải tỏa thì người dân lại tái diễn vi phạm, mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhắc nhở nhiều lần.
Để tăng cường công tác đảm bảo hành lang giao thông, vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch 115 về giải tỏa các vi phạm hành lang giao thông trên tuyến quốc lộ 2 và đường tránh thành phố Vĩnh Yên, trong đó nêu rõ trách nhiệm và thời gian hoàn thành giải tỏa để các địa phương cơ sở, căn cứ tổ chức triển khai thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân giải tỏa vi phạm tập trung vào các khu vực đông dân cư, các tuyến đường giao thông chính nhằm xử lý các trường hợp vi phạm.
Từ thực tế công tác giải tỏa vi phạm hành lang giao thông tại các địa phương cho thấy, không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, ký cam kết yêu cầu các hộ dân chấp hành quy định về an toàn giao thông mà phải bằng chế tài xử lý cụ thể, đủ sức răn đe. Có như vậy, vấn đề chống tái lấn chiếm hành lang giao thông sẽ được giải quyết triệt để. Tránh tình trạng cứ sau mỗi đợt ra quân giải tỏa vi phạm thì đâu lại vào đó và khi đó trụ sở của cơ quan, đơn vị sẽ được sử dụng vào việc khác chứ không phải là nơi cất giữ các tang vật vi phạm./.
Văn Hải