Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020, với chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, không chạy theo thành tích, huy động tốt các nguồn lực, nhất là huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới. 10 năm qua, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Vĩnh Phúc đã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với quyết tâm chính trị cao, kiên trì, bền bỉ, có phương pháp, cách làm khoa học, quyết liệt, chọn đúng trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn. HĐND tỉnh đã ban hành 31 Nghị quyết về cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh ban hành 41 Quyết định cụ thể hóa nghị quyết của HĐND. Các cơ chế, chính sách của tỉnh được ban hành kịp thời, đảm bảo phù hợp, sát với thực tế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, giúp việc triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ và mục tiêu của Chương trình.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn Vĩnh Phúc đã có những đổi thay căn bản và toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 109/112 xã đạt chuẩn NTM, có 03 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm, Vĩnh Phúc đã huy động được hơn 12.800 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đầu tư được hơn 528 km đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 724 km đường trục thôn, ngõ xóm, 716 km đường trục chính nội đồng; 100% kênh loại I, II và 97% kênh loại III được kiên cố hóa, trên 300 công trình đầu mối, trạm bơm, hồ đập được đầu tư cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống dân sinh và từng bước sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh đã xây mới thêm 1.096 phòng học kiên cố, trong đó: Mầm non 780 phòng học; Tiểu học 210 phòng, Trung học cơ sở 106 phòng. Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,11%; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,3%; Tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, trong đó tỷ lệ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 55%.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, ngoài việc tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng nông thôn mới trở thành nơi đáng sống./.
Đặng Thưởng