Cập nhật: 28/09/2019 09:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm qua, các mô hình nuôi cá lồng trên sông ở Bắc Ninh phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao do tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng thế mạnh có nhiều dòng sông nước ngọt chảy qua. Tuy nhiên, các mô hình nuôi cá lồng tại Bắc Ninh còn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất đại trà.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của gia đình ông Nghiêm Xuân Bằng, thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) cho hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu từ nuôi cá

Phong trào nuôi cá lồng trên sông phát triển tại huyện Lương Tài trong nhiều năm gần đây với hơn 600 lồng nuôi cá, cho sản lượng mỗi năm 12 nghìn tấn, chiếm một phần ba sản lượng cá lồng trên toàn tỉnh Bắc Ninh. Trong đó phải kể đến mô hình của anh Phạm Văn Bảo tại thôn Quan Kênh, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, anh Bảo cho biết, năm 2016, nhận được sự hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh 15 triệu đồng/lồng cá, anh quyết định vay thêm vốn đầu tư sáu lồng, tập trung nuôi các giống cá thương phẩm như cá trắm cỏ, cá lăng, cá điêu hồng... Anh tự thiết kế lồng, nhập giống, chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm từ các chủ bè đi trước và tìm đầu ra cho cá, đến nay, quy mô phát triển lên 30 lồng cá, sau khi trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 600 triệu đồng/năm. “Với chất lượng nước tốt và lưu tốc dòng nước sông Thái Bình thuận lợi, việc nuôi cá lồng trên sông tại xã Trung Kênh, huyện Lương Tài mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống chúng tôi đã giảm bớt khó khăn, có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng. Với những mô hình nuôi cá lồng mới, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cá giống...”, anh Bảo cho biết.

Gia đình ông Phạm Văn Bôn, xã Trung Kênh nuôi cá lồng từ năm 2014, đến nay có 80 lồng cá, chủ yếu là cá chép, cá điêu hồng, cá trắm cỏ và cá lăng. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, môi trường nuôi cá tự nhiên, mỗi vụ, mỗi lồng cá của gia đình ông Bôn đạt năng suất khoảng bốn tấn. Sau khi trừ các chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, nhân công, mỗi năm, ông Bôn lãi khoảng hai tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Trung Kênh Phạm Văn Vy, Lương Tài là một trong những địa phương của tỉnh Bắc Ninh khai thác mặt nước sông tốt, phát triển các mô hình nuôi cá lồng trên sông phát triển mạnh về số lượng và chất lượng đàn cá. Thời gian tới, huyện Lương Tài sẽ phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh tổ chức lớp tập huấn, bổ sung các kiến thức, kỹ thuật nuôi khoa học, các giống cá mới phù hợp... cho các hộ nông dân bảo đảm duy trì ổn định số lượng và chất lượng lồng cá.

Tương tự, những năm gần đây, phong trào nuôi cá lồng phát triển tại huyện Yên Phong. Toàn huyện có khoảng 110 lồng cá, tập trung vào các loại như cá rô phi đơn tính, chép lai, cá chim trắng, chép giòn... Tuy nhiên, các hộ nuôi cá lồng tại huyện Yên Phong đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nghiêm Xuân Bằng, thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong cho biết, trong thời gian gần đây, nước sông Cầu bị ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề và từ các khu công nghiệp. Nước đường sông thay đổi liên tục, quanh khu vực nuôi cá không có biển cắm phao thông báo, các tàu thuyền đi lại ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích mặt nước sông. Bên cạnh đó, vấn đề lựa chọn nguồn giống tốt, chất lượng bảo đảm, ổn định tại mỗi vụ vẫn đang là bài toán khó với các hộ nuôi cá lồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Lương Văn Mùi, do một số hộ mới đầu tư nuôi cá, chưa có kinh nghiệm cho nên để cá mắc dịch bệnh, thất thoát giống. Do đó, năng suất chưa cao, chỉ ở mức bốn đến năm tấn/lồng. Hiện nay, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các vùng nuôi cá thâm canh còn gặp nhiều khó khăn về vốn, nhất là ở khâu làm thủ tục thuê đất. Trong khi đó quy định về điều kiện mật độ nuôi cá trong vùng còn khắt khe cho nên các hộ nuôi thả cá còn hạn chế trong việc đầu tư, mở rộng số lượng lồng cá.

Phát triển bền vững

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có gần 100 hộ nuôi cá lồng với hơn 1.760 lồng, tập trung tại các huyện Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình và Yên Phong. Cá lồng được nuôi chủ yếu trên hệ thống sông Đuống, sông Thái Bình và sông Cầu. Các chủ hộ nuôi các loại cá có giá trị, phong phú như cá lăng đen, cá trắm cỏ, cá điêu hồng, cá ngạnh sông, cá chép, rô phi đơn tính... đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh cũng như các thị trường lớn như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... Các mô hình nuôi cá lồng trên sông cho năng suất cao hơn so với nuôi cá thâm canh trong ao đất, đạt từ bốn đến sáu tấn/lồng/26 m2 mặt nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình từ 42 triệu đến 60 triệu đồng/lồng nuôi/lứa.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Trượng, việc phát triển và mở rộng nghề nuôi cá lồng trên sông tại tỉnh hiện nay vẫn còn một số vướng mắc. Diện tích mặt nước trên các sông có thể nuôi cá lồng còn hạn chế. Hơn nữa, nguồn nước sông chịu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nước do rác thải sinh hoạt và công nghiệp, tác động không nhỏ đến việc nuôi cá lồng. Việc nhập con giống cá lăng đen, cá điêu hồng, cá chiên… từ tỉnh khác khiến quản lý chất lượng con giống còn bị động và gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh chủ trương gắn phát triển nuôi cá lồng với liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu cá lồng trên sông, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chú trọng quản lý các hoạt động như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi cá lồng, quản lý nguồn thức ăn, hóa chất và thuốc phòng trị bệnh, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tại các vùng nuôi cá lồng tập trung.

Theo THÁI SƠN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm