Sau khi Thành phố Hà Nội thông báo phương án tuyển dụng viên chức giáo dục bằng thi tuyển hoặc xét tuyển, hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn đã có kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Người đại diện đứng đơn kiến nghị cho hàng trăm giáo viên là thầy giáo Nguyễn Văn Hiệu, giáo viên hợp đồng trường THCS Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội.
Giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn bức xúc trước quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục của thành phố Hà Nội
Trong đơn, các giáo viên trình bày:
Ngày 07/03/2019 Thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 1076/QĐ - UBND phê duyệt chỉ tiêu tuyển viên chức giáo dục Thành phố Hà Nội, trong đó có huyện Sóc Sơn.
Theo đó tất cả các giáo viên dạy hợp đồng phải tham gia kì thi viên chức; nếu không thi hoặc thi không đỗ sẽ bị cắt hợp đồng vào tháng 5/2020.
Khi nhận được văn bản này, tập thể giáo viên hợp đồng Sóc Sơn đã có gửi đơn đến các cấp chính quyền kiến nghị được xét đặc cách vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển. Vì nếu theo nghị định 29/2012, họ đều đủ điều kiện xét đặc cách vào viên chức không qua thi tuyển nhưng đã bị bỏ quên.
Thầy Hiệu thông tin, ngày 10/5/2019 UBND huyện Sóc Sơn có văn văn bản số 932/UBND-NV trả lời đơn khiếu nại của giáo viên hợp đồng trong huyện.
Theo đó UBND huyện Sóc Sơn cho rằng: UBND huyện thực hiện đúng các quy định về bố trí và sử dụng lao động hợp đồng, đảm bảo được quyền lợi và chế độ chính sách cho người lao động (vẫn áp dụng việc nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, hưởng phụ cấp đứng lớp, được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như một viên chức).
Đặc biệt hơn là huyện Sóc Sơn thường xuyên rà soát báo cáo, nghiên cứu đề xuất với cơ quan cấp trên tổ chức xét tuyển đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng (năm 2016 có 2 văn bản, năm 2019 có 2 văn bản gửi các cấp thẩm quyền xin ý kiến).
Trong đó kiến nghị Thành phố báo cáo xin ý kiến Chính phủ có chính sách ưu tiên đối với số giáo viên hơp đồng trên 5 năm công tác được huyện, thành phố kí hợp đồng trước khi có luật viên chức ra đời.
Ngày 7/7/2019 Sở nội vụ Hà Nội có Văn bản số 1554.SNV-SDCD trả lời đơn kiến nghị được xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện, thị xã .
Theo đó Thành phố giao các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội để xem xét việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của nghị định 161/2018 của Chính phủ.
Chiều ngày 09/07/2019 tại phiên chất vấn HĐND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - chủ tịch UBND thành phố phát biểu: UBND thành phố Hà Nội giao sở Nội Vụ phối hợp với quận, huyện, thị xã thành lập hội đồng xét tuyển đặc biệt cho giáo viên hợp đồng thỏa mãn những tiêu chí: Hợp đồng huyện từ 5 năm trở lên, có đóng bảo hiểm xã hội, có sức khỏe phù hợp, có vị trí việc làm phù hợp.
Sau khi xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng này thành phố sẽ tổ chức thi tuyển cho số thí sinh còn lại.
Ngày 6/9/2019 Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội kí Thông báo số 293/TB-NV về Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố tại hội nghị công tác tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở mầm non, tiểu học và THCS công lập trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó gần 3000 giáo viên hợp đồng lâu năm trên địa bàn thành phố Hà Nội không ai đủ điều kiện xét đặc cách. Giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn phải tham gia thi tuyển như thí sinh tự do.
Nhưng trước đó, các giáo viên cho rằng, ngày 11/3/2019 Bộ Chính trị kí công văn 9028 cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực trình độ phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Sau khi xét đặc cách, số giáo viên đang hợp đồng lao động nều còn chỉ tiêu biên chế thì thực hiện thi tuyển, xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi đã tuyển đủ số chỉ tiêu biên chế được giao mà vẫn dôi dư thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt là khi giải thích về công văn 9028 của Bộ Chính trị, chiều ngày 20/9/2019, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.
Tại buổi họp báo ông Nguyễn Duy Thăng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Bộ Chính trị, Thủ tướng đã có chỉ đạo vấn đề này. Tinh thần chung là những người đang làm hợp đồng lao động, đã kí hợp động lao động từ ngày 31/12/2015 trở về trước, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì xem xét tuyển dụng. UBND tỉnh, thành phố xem xét tuyển dụng đặc cách, không qua thi, không theo nghị định 29, không theo nghị định 161. Bộ Nội vụ sẽ sớm có văn bản chỉ đạo các địa phương để thống nhất thực hiện theo các văn bản đã ban hành của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Chính vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên hợp đồng lâu năm làm việc tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tập thể giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ sớm ban hành văn bản hướng dẫn UBND thành phố Hà Nội xét đặc cách vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển tại kì tuyển dụng viên chức giáo dục 2019 đối với giáo viên đang dạy hợp đồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn trước khi kì thi diễn ra theo kế hoạch.
Theo Thảo Chi/dantri.com.vn