Cập nhật: 13/10/2019 08:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chương trình Better Work Việt Nam là sáng kiến chung của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thực hiện tại Việt Nam từ năm 2009, thông qua hợp tác với Chính phủ, các tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động và các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia, với mục tiêu thay đổi cách làm trong ngành may mặc. Ðến nay, chương trình tiếp cận được 359 nhà máy tại Việt Nam, với hơn 572 nghìn công nhân, trong đó 80% là công nhân nữ, tạo ra những sự cải thiện đáng kể trong năng suất lao động, thu nhập, điều kiện việc làm cho công nhân ngành may.

Lãnh đạo Tổng LÐLÐ Việt Nam khảo sát một doanh nghiệp tham gia chương trình Better Work Việt Nam.

Buổi gặp gỡ, làm việc giữa lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam, đại diện Chương trình Better Work Việt Nam, lãnh đạo Công ty TNHH Viet Pan Pacific World đóng trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) diễn ra trong bầu không khí thân thiện, cởi mở, trao đổi thẳng thắn. Giám đốc điều hành Công ty Kim Ju Hong cho biết: Công ty TNHH Viet Pan Pacific World là DN 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng may mặc của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hiện nay, công ty có 4.500 công nhân, trong đó 80% là nữ, lương bình quân bảy triệu đồng/người/tháng. Trước đây, với ban lãnh đạo công ty, vấn đề lớn nhất là làm thế nào để có những cuộc đối thoại thẳng thắn, suôn sẻ với người lao động (NLÐ), ngược lại, làm sao để công nhân không còn e dè khi tiếp xúc với chúng tôi. Bây giờ khác rồi, chúng tôi gặp nhau, chào hỏi, trao đổi ý kiến chân tình, mạnh dạn. Tham gia chương trình từ năm 2018, dưới sự tham vấn của chương trình, công ty thành lập Ban Tư vấn cải tiến DN (PICC) để chủ động thực hiện các hoạt động cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân.

Ngay sau buổi làm việc ngắn với Ban Giám đốc công ty, chúng tôi được dự một buổi họp định kỳ cùng các thành viên ban PICC và các tư vấn viên chương trình. Ban PICC gồm 16 đại diện, bao gồm năm đại diện công nhân sản xuất trực tiếp, ba cán bộ công đoàn, bốn quản đốc phân xưởng, số còn lại là cán bộ nhân sự, phòng hành chính của công ty, được bầu cử từ các bộ phận. Mục đích của Ban PICC là giúp DN tuân thủ Bộ luật Lao động Việt Nam, các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đối thoại xã hội, cải tiến hợp tác tại nơi làm việc.

Tại buổi họp định kỳ, những vấn đề về cải thiện điều kiện nơi làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động được đưa ra bàn thảo sôi nổi, thẳng thắn, không hề có khoảng cách giữa công nhân lao động trực tiếp với quản đốc phân xưởng, cán bộ nhân sự hay đại diện giới chủ. Ban PICC được chia làm ba nhóm, thảo luận ba vấn đề khác nhau. Sau khi thảo luận, đại diện nhóm sẽ lên trình bày trước ban, được các nhóm khác đóng góp ý kiến. Mỗi một vấn đề đưa ra thảo luận được gọi là kế hoạch cải tiến bao gồm: vấn đề cần cải thiện, nguyên nhân, gốc rễ vấn đề, giải pháp, bộ phận thực hiện và thời gian thực hiện được phân tích, bàn thảo.

Công nhân Nguyễn Thị Ba, bộ phận cắt, xưởng 1 hào hứng cho biết: Trước đây, tôi vốn e dè, ngại giao tiếp bởi cho rằng, tiếng nói của mình không có trọng lượng trong tập thể hàng nghìn con người. Sau khi được NLÐ, đoàn viên bỏ phiếu bầu vào Ban PICC một thời gian, tôi trở nên tự tin, có kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Ðiều vui nhất là NLÐ chúng tôi được cải thiện đáng kể điều kiện làm việc, hưởng phúc lợi nhiều hơn. Trước khi tham gia chương trình, khi một NLÐ điều chuyển từ công việc có mức lương cao sang công việc có mức lương thấp, thì người đó được trả mức lương thấp ngay sau khi nhận công việc. Bây giờ, sau 30 ngày kể từ khi chuyển công việc mới phải nhận mức lương thấp. Trước khi tham gia chương trình Better Work, công ty không chi trả trợ cấp thôi việc cho công nhân nghỉ việc tự do, đến nay đã chi trả. Trước đây, cơ sở y tế cách xa 30 km, rất khó khăn trong việc khám, chữa bệnh thì nay đã chuyển về gần, có bác sĩ trực tại nhà máy. Toàn bộ máy móc, thiết bị bảo vệ tay, mắt, chắn dây cu-roa cho công nhân được trang bị, lắp đặt thêm quạt gió tại xưởng, nhà ăn. Từ đó, năng suất lao động tăng, kéo theo thu nhập cũng tăng...

Theo đánh giá của Giám đốc Chương trình Better Work Việt Nam P.Chớt, chỉ sau một thời gian ngắn, công ty đã có những cải thiện đáng kể. Hiện nay, đã có 11 nhãn hàng nổi tiếng thế giới sử dụng báo cáo từ Chương trình, giúp uy tín DN được nâng cao. DN đã có nhiều hơn đơn đặt hàng từ các nhãn hàng nổi tiếng; số lượng công nhân, sản lượng, doanh thu đều tăng. Thông qua các đợt đánh giá, tư vấn của Chương trình, NLÐ được hưởng đầy đủ quyền lợi mà trước đó DN chưa thực hiện đầy đủ. Hiện nay, công ty đang phấn đấu để được xếp hạng vào nhóm DN tiên tiến (nhóm 2) của Chương trình.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá: Chương trình Better Work Việt Nam tạo ra cơ chế lắng nghe hơn nữa để tìm tiếng nói chung giữa ba bên: Doanh nghiệp, công đoàn và NLÐ, tìm ra các giải pháp khả thi, nhanh nhất, cải thiện các vấn đề còn bất cập ở DN. Từ đó, tăng năng suất lao động, điều kiện làm việc cũng như phúc lợi của NLÐ. Ðảng, Nhà nước ta đang thực hiện đẩy mạnh Quy chế dân chủ ở cơ sở, hướng đi của Chương trình Better Work Việt Nam cũng theo hướng này là một điều đáng trân trọng. Chương trình đã tạo nên một cơ chế lắng nghe, tin cậy, thuyết phục, hiệu quả. Từ đó NLÐ nhận thấy rõ ràng tiếng nói của họ được lắng nghe, thấu hiểu, quyền lợi được giải quyết thỏa đáng. Do đó, mô hình này cần nhân rộng và phát triển tại Việt Nam.

Một số ghi nhận từ Chương trình Better Work Việt Nam

Chương trình đào tạo của Better Work Việt Nam dành cho nữ chuyền trưởng góp phần tăng năng suất 22%. Trung bình, sau bốn năm, các nhà máy tham gia tăng tỷ lệ doanh thu trên chi phí nhiều hơn 25%. Tỷ lệ các nhà máy vượt quá giới hạn quy định theo luật giảm 44% trong 5 năm. Sau 5 năm, 97% số nhà máy tuân thủ chi trả mức lương tối thiểu theo quy định cho NLÐ.

Theo PHÚC QUÂN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm