Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong lúc chờ có vắc xin phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là người chăn nuôi phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn trước DTLCP cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Minh Hải, xã Đồng Tĩnh là một trong những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, hiện đại nhất huyện Tam Dương. Trong lúc bệnh DTLCP diễn biến phức tạp, gia đình ông luôn theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh và thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn như: trước khi vào khu chuồng nuôi lợn đều phải tắm, thay quần áo, đi ủng bảo hộ và được khử trùng tiêu độc, đi qua hố nước sát trùng; với mọi phương tiện, dụng cụ chăn nuôi khi đưa vào khu chăn nuôi lợn được vệ sinh sạch sẽ và phun khử trùng tiêu độc 2 lần, ở 2 điểm cách nhau hơn 100m; chủ động rác vôi bột, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc và đảm bảo cung cấp thức ăn đủ chất dinh dưỡng cho đàn lợn.
Nhiều hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Tính đến ngày 10/9/2019, toàn tỉnh có 10 xã, thị trấn chưa xuất hiện bệnh DTLCP; 27 xã, phường công bố hết dịch. Biện pháp thiết thực nhất để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi là buộc phải chăn nuôi an toàn sinh học ở tất cả các trại nuôi, cho lợn ăn chín, uống sôi. Bên cạnh đó người chăn nuôi thực hiện tốt 5 không: Không mua bán lợn bị bệnh; Không ăn tiết canh, thịt lợn bị bệnh; Không dấu dịch; Không vứt xác lợn ra môi trường xung quanh; Không vận chuyển, giết mổ lợn bị bệnh. Khi phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh, cần khai báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan Chăn nuôi và thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.
Với tổng đàn lợn hiện có trên địa bàn tỉnh hơn 140.000 con, việc phòng, chống bệnh DTLCP thời gian tới hết sức quan trọng. Hiện, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và của tỉnh về phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý ổ dịch ngay từ khi mới xuất hiện, nhằm khoanh vùng, tiêu diệt nhanh vi-rút tồn tại, lưu hành trong trang trại bằng thuốc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y; kiểm soát chặt việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên thị trường, bảo đảm rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh và sử dụng chế phẩm sinh học theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT; tiếp tục thống kê lợn mắc bệnh DTLCP phải tiêu hủy chính xác, hỗ trợ đúng đối tượng theo quy định. Không lơ là, chủ quan, nhất là đối với các xã chưa có dịch; các xã có dịch nhưng đã qua 30 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới và các xã đã công bố hết dịch./.
Đặng Thưởng