Cập nhật: 14/10/2019 09:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phát triển làng nghề hiện nay đang đem lại thu nhập cao và cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế mạng lại thì người dân sinh sống ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang phải hằng ngày đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường mà chưa có giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này. 

Thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên hiện có gần 2.000 hộ làm nghề với hơn 6.000 lao động. Do thiếu diện tích và khu quy hoạch làng nghề vẫn còn dang dở và chưa đi vào hoạt động tách khỏi khu dân cư vì vậy, quá trình sản xuất chế biến gỗ, các hộ sản xuất ở đây đã xả thải ra môi trường lượng bụi gỗ, bụi sơn rất lớn; bên cạnh đó, tình trạng vật liệu sản xuất và các phế phụ phẩm nghề mộc xếp lấn chiếm lề đường, lòng đường đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

Mặc dù chủ các xưởng mộc đã có ý thức xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi để giảm bớt ô nhiễm, nhưng thực tế bụi gỗ và mùi sơn vẫn lan tỏa trong không trung đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái.

Nổi tiếng là lò mổ ô tô, xe máy, tái chế sắt vụn lớn nhất miền Bắc, với gần 40% số hộ dân trong xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc làm nghề này. Tuy việc tái chế đem đến nguồn thu nhập lớn cho người dân trong xã, nhưng việc sử dụng công nghệ thô sơ, lao động thủ công lại đang gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới chính sức khỏe của người dân nơi đây.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 77 làng nghề, trong đó 22 làng nghề được công nhận, 55 làng nghề và làng có nghề mới, với 12 nhóm nghề: mộc, mây tre đan, rèn kim khí, đá, chế biến bông vải sợi, chế biến lương thực, thực phẩm, nuôi và chế biến sản phẩm rắn, gốm, thêu, tái chế phế liệu, chế biến tơ nhựa, vận tải đường thủy. Sự phát triển sản xuất ở các làng nghề đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, ngoài các mặt tích cực của làng nghề thì hoạt động sản xuất của làng nghề đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường. Qua khảo sát 22 làng nghề của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chỉ có 11 làng nghề chất thải rắn được thu gom, xử lý và 9 làng nghề có bãi chôn lấp chất thải rắn. Nước thải và khí tại các làng nghề chưa được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường; cơ sở hạ tầng kỹ thuật xây dựng chắp vá, không đồng bộ, nhiều nơi không có dẫn đến nước thải bị ứ đọng cục bộ.

Khôi phục và phát triển làng nghề là chủ trương đúng đắn, nhằm bảo tồn giá trị của văn hóa dân tộc, tuy nhiên hoạt động làng nghề đang gây ra những tác động đến môi trường, làm gia tăng ô nhiễm. Điều này là thách thức đối với Vĩnh Phúc trong phát triển làng nghề theo hướng bền vững./.

Nguyễn Toàn

Tệp đính kèm