Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, nhiều học sinh đang bị thừa cân béo phì và một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do các em quá ít vận động.
Kết quả khảo sát cho thấy, trẻ dưới 5 tuổi, thừa cân, béo phì chiếm 21,9%; lứa tuổi tiểu học, con số này lên đến 51,8%; độ tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông là 33,5% và 19,5%. Xét theo giới thì nam sinh thừa cân béo phì nhiều hơn nữ sinh, với tỷ lệ lần lượt là 48,9% và 33,8% .
Nguyên nhân các vấn đề nói trên đến từ việc thiếu kiến thức về dinh dưỡng và vận động chưa hợp lý. Ngoài ra, học sinh còn theo những xu hướng dinh dưỡng và vận động không có lợi như ăn thức ăn nhanh, ngồi nhiều, xem nhiều smartphone...
Làm cách nào để đưa trẻ ra sân vận động?
BS. Nguyễn Văn Hoàng Tâm, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết không ít em tầm 16 tuổi đã xuất hiện những bệnh mạn tính như đau lưng, béo phì, đái tháo đường type 2. Nguyên nhân do trẻ béo phì, lười vận động.
BS. Tâm phân tích, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do ăn uống, vận động không hợp lý và từ môi trường giải trí. Trẻ thích ngồi trong nhà, phòng máy lạnh chơi game, chơi các thiết bị điện tử hơn là ra môi trường thoáng mát, không khí trong lành chơi các trò chơi vận động.
Hiện tượng lười vận động ở trẻ cũng còn liên quan đến yếu tố giới tính.Các bé gái khi bước vào tuổi dậy thì cũng giảm ham muốn vận động thể chất. Trẻ vận động hợp lý sẽ cải thiện sức khỏe cơ bắp, hệ tim mạch, hô hấp, cải thiện sức khỏe xương khớp, cải thiện chiều cao, cấu trúc cơ thể hài hòa, giảm triệu chứng trầm cảm. Nhờ đó tinh thần được sảng khoái hơn, kết quả học tập cũng tốt hơn.
Một số phương pháp giúp phụ huynh đưa con trẻ đến sân tập thể dục, bao gồm: trò chuyện, động viên, nêu những tấm gương người nổi tiếng để khích lệ trẻ, đánh thức tâm lý thích được khen thưởng, thích được chú ý của trẻ. Tiếp đến, phụ huynh cho trẻ tiếp cận với các môn thể thao có tính vui chơi, giải trí, tham gia lớp năng khiếu… để các thầy cô, huấn luyện viên đánh giá thể chất của trẻ, từ đó lựa chọn môn thể dục, thể thao phù hợp để có thể luyện tập đều đặn.
Và trên hết, chính cha mẹ phải là người đồng hành, làm gương cho trẻ trong việc tích cực vận động, thể dục thể thao.Khi việc tham gia thể dục, thể thao đã bắt đầu thì duy trì không khó bởi vì thể dục giúp endorphin (endogenous morphine) trong cơ thể chúng ta được sản sinh. Đây là “morphin nội sinh”, được mệnh danh là “hóc-môn hạnh phúc” hay “hóc-môn vui vẻ”, có tác dụng khuyến khích suy nghĩ tích cực, giúp chúng ta có động lực đến sân tập.
Tập thế nào để không bị chấn thương
BS.CKI. Phan Vương Huy Đổng, bộ môn Y học Thể thao, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận xét, đặc điểm hệ cơ xương khớp của trẻ là tính non yếu, dễ chấn thương, dễ phục hồi, tổn thương nặng sẽ ảnh hưởng về sau.
Năng động, ham chơi, thiếu kiểm soát sẽ khiến trẻ dễ chấn thương.Đồng thời các bé cũng chưa được sự quan tâm đúng mức từ phía gia đình và thầy cô giáo về việc giáo dục phòng ngừa chấn thương và phục hồi chấn thương.
Nguyên nhân gây chấn thương trong thể thao của trẻ là do khởi động không đúng, kỹ thuật chưa tốt, thể lực chưa tốt, quá tải; trang phục, dụng cụ không phù hợp, chưa chuẩn bị tâm lý thi đấu, hoặc dinh dưỡng kém.
Theo BS. Đổng, để phòng ngừa chấn thương, dụng cụ thi đấu phải phù hợp như: mặt sân, thảm đấu đúng quy cách, tránh đổi giày, đổi dụng cụ đột ngột trước giải đấu. Đặc biệt, phải có giày phù hợp để ngăn ngừa chứng bàn chân bẹt và chứng vẹo ngón chân cái (bunion).
Việc chuẩn bị tâm lý thi đấu rất quan trọng; cũng cần giáo dục tinh thần fair-play cho trẻ, bởi độ tuổi này suy nghĩ và hành động của trẻ còn bồng bột. Khi tập, trẻ sẽ rất mau mệt nhưng cũng mau hồi phục, chính vì vậy cần bổ sung năng lượng trước, trong và sau tập luyện. Chú ý các bất thường bẩm sinh hoặc những bệnh xương khớp đi kèm.Cũng cần xây dựng chương trình tập luyện, nghỉ ngơi, phục hồi hợp lý nhất là đối tượng trẻ em năng khiếu, tránh ảnh hưởng đến tương lai thể thao và thành tích thi đấu.
Xương khớp của trẻ nhanh hồi phục, song chúng ta cũng không vì vậy mà chủ quan, khi trẻ bị chấn thương, nhất thiết phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đánh giá mức độ hồi phục và thời điểm có thể trở lại sân tập, bởi vì nếu phục hồi chưa đủ mà vội vàng vận động trở lại có thể sẽ dễ chấn thương lần nữa.
Phụ huynh cần giúp con phát triển chiều cao là chăm sóc thể chất, bên cạnh đó, chúng ta đừng quên chăm sóc về tâm lý và tâm hồn cho thế hệ tương lai. Các bé cũng cần có thầy cô, huấn luyện viên động viên tạo tâm lý vững vàng và tạo môi trường cọ xát thi đấu.
Nên khuyên trẻ ăn đủ ba bữa nhưng với số lượng vừa đủ theo nhu cầu
Những sai lầm trong phòng chống thừa cân ở trẻ
BS. Trần Quốc Cường, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, nhận định thừa cân béo phì là sát thủ thầm lặng gây ra tăng huyết áp, tăng mỡ máu, rối loạn đường huyết, đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư ở trẻ và khi trưởng thành. Tăng mỡ máu, tăng huyết áp và tăng đường huyết do béo phì có thể xuất hiện khi còn rất trẻ.Tuy nhiên, có nhiều điều mà người lớn còn chưa hiểu và thực hành đúng dẫn đến việc chậm trễ hay sai lầm trong phòng chống thừa cân béo phì cho trẻ.
Phải cho trẻ béo phì chơi thể thao: Vận động là một trong những lời khuyên mà bác sĩ hay đưa ra đối với trẻ béo phì. Tuy nhiên, vận động bao gồm nhiều loại hình chứ không chỉ là chơi thể thao. Vận động có thể thông qua di chuyển (đi bộ, đạp xe), giải trí (trò chơi vận động của trẻ), thông qua công việc (làm việc nhà, làm vườn…) thông qua tập thể dục và cuối cùng là chơi thể thao. Hãy giúp trẻ vận động mọi lúc mọi nơi trong ngày và qua mọi hoạt động của trẻ.Nên khuyến khích trẻ vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày để phòng chống thừa cân béo phì.
Béo phì là khi trẻ rất mập: Điều này là hoàn toàn sai và trên thực tế nhiều cha mẹ thường than phiền là trường học hay cơ sở y tế chẩn đoán trẻ bị thừa cân béo phì trong khi trẻ có ngoại hình có vẻ bình thường. Trẻ được chẩn đoán béo phì khi trẻ có cân nặng vượt quá 20% so với cân nặng trung bình ở trẻ cùng tuổi và giới tính. Ví dụ bé trai 6 tuổi có cân nặng và chiều cao trung bình là 20,5kg và 116cm, nếu trẻ tăng thêm 4,5kg từc là 25kg trẻ đã được chẩn đoán béo phì. Để biết cân nặng trung bình của trẻ từng lứa tuổi, hãy tư vấn với nhân viên y tế.Việc chẩn đoán sớm giúp phòng ngừa sớm bởi vì điều trị giảm cân rất khó thành công, đặc biệt là ở giai đoạn rất mập.
Béo phì cần dùng thuốc điều trị: Không hoàn toàn đúng. Thực ra rất ít thuốc được cho phép sử dụng trong điều trị béo phì ở trẻ em. Ngoài ra ở những trường hợp béo phì nhẹ và ở trẻ nhỏ, điều trị chủ yếu là giáo dục thay đổi lối sống của trẻ và cả gia đình hướng đến xây dựng những thói quen ăn uống, vận động lành mạnh làm hành trang cho trẻ đến suốt đời. Các thuốc bác sĩ kê đơn cho trẻ béo phì thường là những thuốc cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất đạm cần thiết cho trẻ phát triển mà khi việc ăn kiêng làm cơ thể bị thiếu hụt.
Nhịn ăn sáng giúp giảm bớt năng lượng ăn vào: Một trong những biện pháp đầu tiên mà trẻ hoặc người nhà thực hiện khi được chẩn đoán béo phì là nhịn ăn sáng. Nhưng điều này hoàn toàn sai lầm ở cả trẻ em và người lớn.Cơ thể chúng ta có cơ chế tự cân đối năng lượng ăn vào trong ngày và qua từng ngày.Nếu chúng ta nhịn ăn vào buổi sáng buổi chiều sẽ tự ăn nhiều hơn để bù vào lượng thiếu hụt. Việc ăn nhiều vào buổi chiều tối càng gia tăng béo phì do ăn trễ, ăn tối sẽ tích tụ mỡ. Thay vào đó, nên khuyên trẻ ăn đủ ba bữa nhưng với số lượng vừa đủ theo nhu cầu.
Bỏ uống sữa sẽ giúp hạn chế tăng cân thêm: Biện pháp sai lầm thứ hai về chế độ ăn mà trẻ hay cha mẹ thường hay thực hiện là cho trẻ nghỉ uống sữa. Sữa là nguồn cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất đạm cho trẻ phát triển, đặc biệt là tầm vóc.Bỏ sữa sẽ làm trẻ không phát triển hết tiềm năng thể lực của mình.Thay vào đó nên thay bằng sữa tươi không đường và có thể sử dụng sữa tách béo khi trẻ trên 3 tuổi.Nghiên cứu cho thấy cung cấp lượng canxi đầy đủ thông qua chế độ ăn uống đầy đủ đặc biệt là sữa sẽ giúp phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ em.
Đi điều trị béo phì mỗi năm 1 lần: Có nhiều trường hợp cha mẹ để đến hè sẽ đưa trẻ đi điều trị béo phì một lần. Việc điều trị như vậy có rất ít tác dụng. Béo phì là một bệnh mạn tính liên quan đến hành vi. Do đó việc điều trị cần tái khám nhiều lần qua đó bác sĩ và người nhà cùng xác lập những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn về cân nặng, hành vi và điều chỉnh các hành vi qua nhiều lần tái khám. Thông thường một đợt điều trị phải kéo dài qua 6 lần tái khám cách nhau mỗi tháng.
Tóm lại, để chuẩn bị cho trẻ một tương lai tương sáng, không chỉ có trí tuệ mà còn có một thể lực cân đối và một sức khỏe tốt.
PHƯƠNG NGHI
Theo suckhoedoisong.vn